TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG NĂM 2024
Giới thiệu chung In trang
20/08/2019 12:00 SA

CÁT TIÊN 25 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Huyện Cát Tiên ngày nay là một phần của chiến khu D; là vùng căn cứ cách mạng của Khu ủy Khu 6 và Khu 10 cũ; là nơi bảo vệ an tòan đường hành lang chiến lược Bắc – Nam; là nơi tiếp nhận, chuyển tải sức người, sức của, phương tiện để chi viện cho các chiến trường Đắk Lắk, Phước Long, Lâm Đồng, Tuyên Đức, Bình Thuận, Bình Tuy và Ninh Thuận.

Ghi nhận những đóng góp to lớn về sức người, sức của trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; nhiều tập thể, cá nhân, chiến sĩ đã được Đảng, Nhà nước vinh danh và tặng thưởng huân chương, huy chương, danh hiệu dũng sĩ diệt mỹ. Đặc biệt, ngày 6-11-1978 xã Đồng Nai Thượng được Hội đồng Nhà nước tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; đây là phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước ta trao tặng cho đồng bào các dân tộc vùng Cát Tiên.

Năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định bàn giao vùng đất Cát Tiên – xã Đồng Nai (thuộc huyện Phước Long – Sông Bé) về tỉnh Lâm Đồng để thành lập vùng kinh tế mới thuộc huyện Đạ Huoai với các xã Phù Mỹ, Đồng Nai, Phước Cát và Quảng Ngãi (gồm bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, bộ đội và gia đình quân nhân xuất ngũ thuộc  Đoàn 600, bà con của tỉnh Nghĩa Bình (nay là tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định)

Ngày 27-7-1983 nơi đây đã vinh dự đón tiếp Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng đến thăm và ghi lưu niệm: “Thân ái tặng đồng bào đồng chí lời chúc mừng tốt đẹp nhất; phấn đấu làm cho vùng này trở thành một vùng giàu đẹp bậc nhất của tỉnh Lâm Đồng và của cả nước Việt Nam thân yêu của chúng ta”.

Năm 1985, tiếp tục tiếp nhận bà con tỉnh Hà Nam Ninh (nay là tỉnh Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình) đến xây dựng kinh tế mới.

Ngày 06-6-1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 67/HĐBT về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số xã thuộc huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng; trong đó chia xã Quảng Ngãi thành 2 xã lấy tên là xã Quảng Ngãi và xã Tư Nghĩa, chia xã Phù Mỹ thành 2 xã lấy tên là xã Phù Mỹ và xã Mỹ Lâm; chia xã Đồng Nai thành  5 đơn vị hành chính lấy tên xã Đức Phổ, xã Nam Ninh, xã Gia Viễn, xã Tiên Hoàng và thị trấn Đồng Nai và chia xã Phước Cát thành 2 xã lấy tên là xã Phước Cát 1 và xã Phước Cát 2.

Cũng ngày 06-6-1986, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 68/HĐBT về việc chia huyện Đạ Huoai  thành 3 huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên.

Theo đó, huyện Cát Tiên gồm 10 xã, 01 thị trấn với diện tích tự nhiên 35.900 ha với 24.700 nhân khẩu. Đồng chí Hoàng Thanh làm Bí thư huyện ủy; đồng chí Trần Đình Nhung được chỉ định làm Chủ tịch UBND huyện lâm thời – cùng với tập thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc huyện Cát Tiên chính thức đi vào họat động kể từ ngày 01-01-1987 và từ đó ngày 01-01-1987 được xem là mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của huyện Cát Tiên.

Những năm đầu của thập niên 90, huyện Cát Tiên tiếp tục tiếp nhận bà con tỉnh Vĩnh Phú đến xây dựng kinh tế mới tại xã Mỹ Lâm.

Ngoài ra còn có bà con các dân tộc Tây Bắc di dân tự do; bà con tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An và Hà Tĩnh) đến xây dựng kinh tế mới tại các xã thuộc vùng trồng dâu của Xí nghiệp dâu tằm tơ Cát Tiên.

Ngày 31-12-2002, Chính phủ có Nghị định 112/2002/NĐ-CP về việc  thành lập xã Đồng Nai Thượng.

Qua điều chỉnh địa giới hành chính theo Quyết định 364, đến nay huyện Cát Tiên có diện tích tự nhiên 42.657 ha (trong đó có 27.030 ha đất lâm nghiệp, gồm: 21.600 ha rừng đặt dụng do VQG Cát Tiên quản lý và 5.430 ha rừng sản xuất), với 11 xã và 1 thị trấn, dân số có hơn 40.000 người, gồm 18 dân tộc thuộc dân cư từ trên 30 tỉnh thành có mặt nơi đây.

Nhìn lại 25 năm xây dựng và phát triển; từ buổi ban sơ dân cư thưa thớt, đời sống nhân dân còn muôn vàn khó khăn, mọi thứ đều thiếu thốn trăm bề; giao thông là những tuyến đường mòn hun hút; nhà ở, trường học, trạm xá chủ yếu là tranh tre, nứa lá; nắng hạn, mưa lũ; đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Nhưng vượt lên tất cả; toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã chung sức, đồng lòng; vượt qua bằng ý chí và nghị lực để định hình thế dân cư, khai hoang phục hóa mở rộng sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng; kiện toàn bộ máy … Kết quả của sự hy sinh gian khổ đó, đã tạo nên bức tranh hoàn chỉnh của Cát Tiên hôm nay.

25 năm xây dựng và phát triển; Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Cát Tiên đã tiến hành 6 kỳ Đại hội Đảng bộ và 6 kỳ bầu cử HĐND huyện. Thành quả đạt được của huyện Cát Tiên gắn liền với các kỳ Đại hội huyện Đảng bộ, kỳ bầu cử HĐND huyện. Thể hiện trên một số lĩnh vực chủ yếu sau:

1. Về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế:

10 năm đầu mới thành lập huyện (1987 -1996) có thể xem là thời kỳ định hình, tốc độ phát triển kinh tế bình quân  hàng năm là 5,8%; giai đoạn 1997 – 2006 có thể xem là thời kỳ ổn định, tốc độ phát triển kinh tế bình quân hàng năm là: 8,7%; giai đoạn từ năm 2006 đến nay có thể xem là thời kỳ phát triển có bước đột phá, tốc độ phát triển kinh tế bình quân hàng năm là: 14,6%.

Tổng sản phẩm xã hội (GDP) năm 1987 đạt 0,958 tỷ đồng, năm 1996 đạt 52,503 tỷ đồng, năm 2006 đạt 148,2 tỷ đồng, đến năm 2011 đạt 649,7 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 1987 đạt 41.600 đồng, năm 1996 đạt 1.489.600 đồng, năm 2006 đạt 3.620.000 đồng, đến năm 2011 đạt 17,13 triệu đồng  đồng.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch khá rõ nét theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp xây dựng và thương mại dịch vụ; giảm tỷ trọng ngành nông-lâm nghiệp. Cụ thể: Tỷ trọng nông lâm nghiệp năm 1987 chiếm 82,88%, năm 1996 chiếm 70,67%, năm 2006 chiếm 59,29%, đến năm 2011 giảm còn 50,77%; tỷ trọng ngành  công nghiệp - xây dựng năm 1987 chiếm 1,33%, năm 1996 chiếm 11,62%, năm 2006 chiếm 18,26%, đến năm 2011 tăng lên 19,63%; tỷ trọng ngành thương mại-dịch vụ, năm 1987 chiếm 15,79%, năm 1996 chiếm 17,71%, năm 2006 chiếm 25,82%, đến năm 2011 tăng lên 29,6%.

a. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp:

Huyện Cát Tiên được xác định là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh; nên xuyên suốt 25 năm qua luôn chú trọng phát triển sản xuất kết hợp giữa mở rộng qui mô với chuyển dịch mùa vụ, thâm canh nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tổng diện tích đất nông nghiệp năm 1987 là 3.843ha, năm 1996 là 7.105 ha, từ năm 2006 đến nay ổn định 11.566 ha; diện tích gieo trồng năm 1987 là 4.664 ha, đến nay đạt 17.688 ha tăng gấp 3,8 lần so với năm 1987.

Để khai thác có hiệu quả quỹ đất nông nghiệp, nhất là đối với diện tích trồng cây hàng năm; công tác thuỷ lợi được quan tâm hàng đầu, với đa dạng phương thức đầu tư và bằng nhiều nguồn vốn đầu tư. Trước hết có thể khẳng định rằng; khi công trình thủy Đạ Bo B-Gia Viễn phát huy hiệu quả đã đánh dấu mốc quan trọng trong sản xuất nông nghiệp huyện nhà; và theo thời gian, các công trình thủy lợi lần lượt ra đời như: trạm bơm Phù Mỹ, trạm bơm Phước Cát, hồ chứa nước Đak Lô, hồ chứa nước Mỹ Trung, hồ chứa nước Phước Trung, trạm bơm Quảng Ngãi, trạm bơm Đức Phổ…và hàng trăm công trình thủy lợi nhỏ khác đã góp phần chủ động trong sản xuất nông nghiệp; từ việc lệ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên tiến tới chủ động nước tưới cho 2550 ha, chiếm 56% diện tích canh tác cây lúa; trong đó vụ Đông xuân tưới chủ động được 67% diện tích lúa. Qua đó, hình thành khá rõ nét trong chuyển dịch cơ cấu mùa vụ theo hướng tăng diện tích Đông Xuân, Hè thu, giảm dần diện tích vụ mùa để giảm thiểu rủi ro do lũ lụt gây ra; đến nay Đông xuân trở thành chính vụ và là vụ chủ lực trong năm.

Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được chú trọng đồng bộ từ khâu giống, đến kỹ thuật thâm canh; làm tốt công tác quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch một cách khoa học và hiệu qủa, nên không chỉ tăng về năng suất, sản lượng mà chất lượng sản phẩm và giá trị cũng được nâng lên. Ngoài ra, huyện tập trung nghiên cứu, bổ sung danh mục cây trồng và hình thành hướng đi mới trong sản xuất, đó là sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao, đặc biệt là thành công trong việc xác định và phát triển cây dược liệu.

Nếu như năm 1987 năng suất bình quân chỉ đạt 2,5 tấn/ha; năm 1996 năng suất bình quân đạt xấp xỉ 3 tấn/ha; thì đến nay 2006 năng suất bình quân được nâng lên 5,3 tấn/ha; cá biệt có diện tích cho năng suất trên 1 tấn/ha. Từ việc xác định đảm bảo ổn định lương thực tại chỗ của giai đoạn 1987-1996, đến nay có trên 50% sản lượng thóc tham gia thị trường. Và năm 2010, huyện tiến hành lập thủ tục đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu “lúa gạo Cát Tiên”. Đây là tiền đề và là điều kiện để lúa gạo Cát Tiên tham gia thị trường với tư cách là sản phẩm chất lượng và giá trị cao.

Đối với cây dài ngày; việc xác định cây trồng phù với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết cho vùng đất mới là không khó; song để trụ được với điều kiện của vùng trũng, thường xuyên bị lũ lụt thì quả là điều luôn trăn trở đối với lãnh đạo và nhân dân huyện nhà. Trong các loại cây trồng, cây điều chiếm ưu thế với diện tích 5.370 ha, chiếm 81% diện tích trồng cây dài ngày và đã đóng góp rất lớn cho công cuộc xoá đói, giảm nghèo ở địa phương. Tuy nhiên, đến nay do yêu cầu phát triển bền vững, một số diện tích không còn đáp ứng, huyện đang tập trung chỉ đạo chuyển đổi cây trồng khác như cây cao su, ca cao và cây lâm nghiệp nhằm nâng cao giá trị và phát huy hiệu quả cao hơn.

Kết hợp hài hoà giữa trồng trọt với chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản. Kết quả chăn nuôi đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của ngành nông nghiệp, năm 1996 tỷ trọng ngành chăn nuôi chiếm 26%, đến nay tỷ lệ được nâng lên 30%.

Trong lâm nghiệp, ngoài việc phối hợp tốt với VQG Cát Tiên và tổ chức thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng để bảo tồn thú quý hiếm; còn được tỉnh cho phép chuyển đổi một số diện tích rừng nghèo kiệt sang trồng rừng kinh tế, tạo ra hướng đi nông lâm kết hợp bền vững trong thời gian qua và những năm tiếp theo.

b. Xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển tiểu thủ công nghiệp:

* Về xây dựng cơ sở hạ tầng:

Tranh thủ các nguồn vốn từ ngân sách tập trung của tỉnh, vốn từ các chương trình mục tiêu; hàng trăm tỷ đồng được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, ưu tiên xây dựng các công trình tầng như Điện - Đường - Trường - Trạm y tế đáp ứng được nhu cầu đi lại, học hành, chữa bệnh trong nhân dân. 

- Giao thông:

Những năm đầu thành lập, huyện Cát Tiên là ngõ cụt; duy nhất chỉ có tuyến đường ĐT 721 nối liền giữa huyện với quốc lộ 20; nhưng nắng bụi, mưa lầy. Đến năm 1998 hoàn thành nhựa hóa từ trung tâm huyện đến giáp Quốc lộ 20; và tháng 8 năm 2006 cầu treo Phước Cát được khánh thành; chính thức phá thế ngõ cụt, thông sang Quốc lộ 14;  mở ra cho Cát Tiên hướng đi mới trong phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà.

Giao thông nội huyện là những con đường đất không bảo đảm lưu thông đến trung tâm các xã trong mùa mưa. Được sự quan tâm của tỉnh; từng năm dần được đầu tư xây dựng; đến nay, dự án đầu tư xây dựng đường nội thị, giai đoạn 1 đường Lô 2 đã hoàn thành, nhiều dự án lớn về giao thông đang được triển khai thực hiện, như: nâng cấp đường ĐT 721, đường Tiên Hoàng Đồng Nai Thượng; tiếp tục tranh thủ nguồn vốn cấp trên để đầu tư nhựa hoá đường Quảng Ngãi-Tư Nghĩa-Mỹ Lâm-Nam Ninh-Tiên Hoàng. Góp phần thông thương từ huyện đến trung tâm xã kể cả trong mùa mưa; tạo thế phát triển thương mại-dịch vụ; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của trung tâm huyện.

Bên cạnh đó; trong những năm qua được đầu tư từ các nguồn vốn thuộc Chương trình 135; chương trình thuộc dự án vùng đệm và thông qua phương thức “nhân dân làm nhà nước hổ trợ” đã triển khai xây dựng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn.

Dần theo thời gian; tuy chưa hòan chỉnh và khang trang song, hệ thông giao thông đã thể hiện đúng ý nghĩa của nó; góp phần quan trọng trong việc giao lưu hàng hóa, nâng giá thành sản phẩm, kích thích sản xuất trong nhân dân.

- Về phát triển lưới điện:

Ngày 02/9/1994, ngày Cát Tiên chính thức đấu nối lưới điện quốc gia. Đánh dấu mốc quan trọng trong suy nghĩ và cách làm ăn mới của nhân dân huyện nhà. HĐND huyện khoá 3, nhiệm kỳ 1994-1999 có Nghị quyết huy động vốn trong nhân dân để phát triển lưới điện  phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Nghị quyết đã được nhân dân đồng tình ủng hộ và theo đó số xã có điện tăng dần hàng năm và tỷ lệ số hộ dùng điện cũng tăng theo.

Đặc biệt, lưới điện quốc gia về xã Đồng Nai Thượng được xem là sự phần thưởng đặc biệt của tỉnh dành cho đồng bào dân tộc tại chỗ của xã Đồng Nai Thượng nói riêng và theo đó 100% xã, thị trấn có điện lưới Quốc gia. Đến nay có 96% số hộ dùng điện; tỷ lệ sản lượng điện phục vụ sản xuất kinh doanh chiếm > 25,2% tổng sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn. Mở ra nhiều ngành nghề mới phục vụ cho phát triển công nghiệp.

- Hệ thống thông tin liên lạc:

Cùng với sự phát triển của khoa học kỷ thuật, tin học và đặc biệt là đầu tư khá nhanh của ngành Bưu điện nên đã đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thông tin liên lạc trong mọi tình huống; tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành, trong việc triển khai 3 phần mềm dùng chung của tỉnh trên địa bàn huỵên. Nếu như năm 1996, toàn huyện chỉ có 301 máy, bình quân 0,75 máy/100 dân; thì đến nay toàn huyện có 10/12 xã, thị trấn có bưu điện văn hoá xã, có 4 tổng đài và 02 bưu cục cấp 2, 1 bưu cục cấp 3, có khoảng 13.000 máy điện thoại, bình quân 293 máy/1000 dân, 100% xã kết nối và khai thác thuận lợi  thông tin mạng Internet.

* Về tiểu thủ công nghiệp:

Năm 1987, toàn huyện có 03 cơ sở sản xuất gạch ngói và một số cơ sở rèn nông cụ; năm 1996 có 280 cơ sở tiểu thủ công nghiệp; năm 2006 có 450 cơ sở; đến nay tăng lên 630 cơ sở, hoạt động với các ngành nghề như bóc tách hạt điều, dệt thổ cẩm, may mặc, sản xuất vật liệu xây dựng, xay xát… góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động tại chỗ; và tham gia tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện.

c. Tài chính – Tín dụng:

* Về thu ngân sách:

Là huyện thuần nông; các điều kiện phát triển thuơng mại-dịch vụ còn là tiềm năng, thiên tai lũ lụt thường xuyên. Suốt 25 năm qua Cát Tiên luôn là địa phương được tỉnh trợ cấp ngân sách chiếm một tỷ trọng khá lớn (trên 85% trong tổng chi ngân sách địa phương). Năm 1989 là năm đầu tiên thực hiện thu ngân sách trên địa bàn huyện đạt 424, 4 triệu đồng, năm 1996 đạt 2.596 triệu đồng, tăng 6,1 lần so với năm 1989, năm 2006 thu đạt 6.810 trịêu đồng tăng 2,6 lần so với năm 1996 và đến năm 2011 thu đạt 33.780 triệu đồng, tăng gấp 4,96 lần so với năm 2006.

Với tinh thần tích cực, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc huyện nhà, nên số thu hàng năm thể hiện đều tăng dần; tuy không nhiều nhưng đây là lộ trình tiến đến tự chủ cân đối ngân sách vào những năm sau 2020.

* Về hoạt động tín dụng – Ngân hàng:

Cơ bản đáp ứng được nhu cầu về  vốn cho đầu tư  phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; gắn hoạt động của ngành với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của huyện, góp phần đáng kể vào việc xoá đói giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương.

d. Thương mại, dịch vụ:

Xuất phát từ địa bàn gần như được Nhà nước hỗ trợ về dịch vụ. Đến năm 1992 với phương thức đổi đất lấy cơ sở hạ tầng, chợ Cát Tiên được xây dựng; khởi động cho hoạt động thương mại-dịch vụ ở địa phương; đến nay thông qua các nguồn đầu tư  từ chương trình trung tâm cụm xã, chương trình 135, và đầu tư  theo phương thức BT … đã xây dựng được 8 chợ; góp phần cho hoạt động thương mại dịch vụ ở các trung tâm xã, nhất là ở 3 cụm trung tâm: Đồng Nai, Phước Cát 1 và Gia Viễn.

Đặc biệt, cầu treo Phước Cát nối liền hai bờ sông Đồng Nai đã mở ra hướng đi mới trong lĩnh vực thương mại dịch vụ và chợ Phước Cát 1 được xây dựng với quy mô đảm bảo đảm nhận nhiệm vụ chợ đầu mối. Liên kết kinh tế vùng đang triển khai là việc thực hiện kế họach chuyển dịch cơ cấu kinh tế mà tỉnh và huyện rất quan tâm.

2. Lĩnh vực văn hoá - xã hội:

a. Về giáo dục:

Năm học 1986 – 1987 là năm học đầu tiên của huyện mới Cát Tiên; toàn huyện có 7 trường với khoảng 3000 học sinh; đội ngũ giáo viên có 188 người (trong đó một phần huy động từ đội ngũ thanh niên có trình độ học vấn cấp 3 được bồi dưỡng cấp tốc nhằm phục vụ đáp ứng tình hình thiếu giáo viên nghiêm trọng lúc ấy). Sau 25 niên khóa, toàn huyện có 36 trường với gần 700 giáo viên, cô nuôi dạy trẻ và trên 10.000 học sinh; trong đó có: 03 trường THPT, 09 trường THCS, 15 trường Tiểu học, 08 trường Mầm non và 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Hàng năm có gần 700 học sinh tốt nghiệp PTTH, trong số đó có trên 20% vào các trường đại học, cao đẳng.

Hoàn thành việc xoá trường học tạm (tranh, tre, nứa lá). Cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học được tăng cường đầu tư. Chất lượng và hịêu quả giáo dục có bước chuyển biến tiến bộ hơn. Đến nay, đã có 05 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 01. Toàn huyện đã được công nhận phổ cập giáo dục Tiểu học và có 12/12 xã, thị trấn được công nhận phổ cập giáo dục THCS.

b. Về Y tế:

Năm 1987 mô hình y tế thực hiện theo hướng Phòng y tế-TDTT đảm nhận hệ dự phòng; Bệnh viện  đảm nhận hệ điều trị; và có 5 trạm y tế xã; với đội ngũ thầy thuốc gồm 1 Bác sĩ và 32 Y sĩ ; việc chăm sóc sức khoẻ và khám chữa bệnh cho nhân dân gặp rất nhiều khó khăn; thời điểm này bệnh sốt rét được xác định là bệnh phổ biến nhất. Năm 1989 toàn ngành chuyển sang thực hiện mô hình TTYT trên cơ sở sáp nhập hệ dự phòng và hệ điều trị.

Năm 1992, phòng mổ đi vào hoạt động, chủ động mổ cấp cứu các bệnh ngọai khoa-sản khoa; trong trường hợp khẩn cấp vẫn tiến hành dù cho lũ có ngập cả phòng mổ nhưng ca mổ vẫn thành công tốt đẹp.

Năm 1996 được đầu tư và hình thành 11 cơ sở y tế (1 bệnh viện, 3 phòng khám khu vực và 7 trạm y tế xã) với đội ngũ Y – Bác sĩ có 88 người trong đó có 11 Bác sĩ. Đến nay, toàn huyện có 13 cơ sở y tế (1 bệnh viện được đầu tư khang trang, hiện đại với quy mô 50 giường và 2 phòng khám khu vực, 10 trạm y tế xã); cán bộ y tế có 181 người; trong đó có 17 Bác sĩ và chuyên khoa cấp 1, 2, đảm nhận việc khám và điều trị cho nhân dân. Các chương trình mục tiêu Quốc gia được triển khai khá tốt, được công nhận là địa phương xoá bệnh phong, bệnh sốt rét. Chất lượng khám và điều trị tại tuyến huyện và cơ sở được chú trọng và có nhiều tiến bộ. Đến nay 100% xã và thị trấn được công đạt chuẩn Quốc gia về y tế, 100% thôn, bản có cán bộ y tế thôn bản.

c. Công tác dân số – kế hoạch hoá gia đình:

Các hoạt động truyền thông dân số và các biện pháp kế hoạch hoá gia đình được tổ chức bằng nhiều hình thức đa dạng, kết quả tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của huyện giảm đáng kể từ 2,15% năm 1996, đến nay còn 1,25%.

d. Các phong trào thể dục, thể thao, hoạt động văn hoá – văn nghệ quần chúng được phát động thường xuyên, hướng về cơ sở ngày càng nhiều, thu hút đông đảo quần chúng tham gia với nhiều nội dung, hình thức phong phú đa dạng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hoá của nhân dân; công tác xây dựng đời sống văn hoá, việc phục dựng các lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn được triển khai với sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành có liên quan, thu hút được đông đảo nhân dân tham gia.

Chất lượng hoạt động của hệ thống truyền thanh, truyền hình đã từng bước được nâng lên, đảm bảo được yêu cầu định hướng chung trong công tác tuyên truyền. Đến nay Đài truyền thanh, truyền hình  huyện và 100% trạm tuyền thanh xã, thị trấn đảm nhận tốt việc tiếp phát chương trình của Trung ương, tỉnh và đưa tin của địa phương kịp thời, đảm bảo tính thời sự .

e. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm luôn là sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Thông qua nhiều chương trình, dự án thiết thực và hiệu quả, như: Chương trình hỗ trợ xoá nhà tạm, chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, chương trình vốn vay ưu đãi và các chương trình lồng ghép khác giúp cho hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; từ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ từng năm. Mặt khác, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được coi là một trong những giải pháp quan trọng về giảm nghèo của huyện trong thời gian qua.

f. Công tác xây dựng vùng đồng bào dân tộc:

Nhiều năm trước đó; bà con vùng đồng bào dân tộc tại chỗ với tập quán du canh, du cư nên gặp không ít khó khăn trong đầu tư phát triển kinh tế-xã hội. Sau khi thành lập huyện, Ban chỉ đạo sản xuất vùng đồng bào dân tộc được hình thành, cắm cán bộ cùng ăn, cùng ở với bà con và qua đó hướng dẫn cách sản xuất, chăn nuôi, trồng cây công nghiệp.

Ngòai việc thực hiện tốt các chương trình 132, 134, 168 của Chính phủ; tỉnh và huyện thường xuyên quan tâm đầu tư tòan diện trong vùng đồng bào dân tộc tại chỗ. Hòan thành việc giải quyết thiếu đất sản xuất; nhà ở;  không ngừng đầu tư hổ trợ sản xuất, tiếp tục đầu tư chuyển đổi cây điều ghép. Phối hợp tốt với Vườn Quốc gia Cát Tiên trong việc tổ chức quản lý bảo vệ rừng gắn với việc giao khóan quản lý bảo vệ rừng  cho 100% hộ, góp phần cơ bản ổn định đời sống trong vùng đồng bào dân tộc tại chỗ trong thời gian qua.

g. Các chính sách đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với nước đã được thực hiện nghiêm túc và chăm lo chu đáo. Phong trào đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ các đối tượng chính sách gặp khó khăn được phát động mang tính xã hội cao, nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ trong huyện có mức sống trung bình trở lên.

3. Về lĩnh vực An ninh – Quốc phòng:

Công tác an ninh trật tự được giữ vững, ổn định, phong trào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và bảo vệ Tổ quốc hàng năm xây dựng củng cố vững chắc.

Hoạt động của các ngành bảo vệ pháp luật có nhiều cố gắng trong việc phối hợp để triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu nhiệm vụ có liên quan đến công tác bảo vệ và thi hành pháp lụât ở địa phương.

Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát động sâu rộng trong các cơ quan, đơn vị và trên từng địa bàn dân cư.

Công tác xây dựng lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ và dự bị động viên được cấp uỷ Đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm. Công tác tuyển quân hàng năm đều hoàn thành chỉ tiêu cấp trên giao.

4. Về Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận và các Đoàn thể:

a. Về công tác xây dựng Đảng:

25 năm, Đảng bộ huyện Cát Tiên đã tiến hành 6 kỳ Đại hội, gắn với việc lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội; công tác xây dựng đảng được tăng cường, thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn trên tất cả 03 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Năm 1989 (Đại hội nhiệm kỳ lần thứ nhất) toàn huyện có 23 tổ chức cơ sở Đảng với 440 Đảng viên; năm 1996 có 26 tổ chức cơ sở Đảng với 547 Đảng viên. Đến nay, đã có 41 tổ chức cơ sở Đảng với 1.396 đảng viên, Huyện uỷ tập trung lãnh đạo củng cố, kiện toàn tổ chức và hoạt động các tổ chức cơ sở Đảng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, Đảng viên, đáp ứng yêu cầu xây dựng xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và bền vững.

b. Hoạt động của HĐND và UBND từ huyện đến xã luôn được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng có hiệu quả. Cán bộ, công chức thường xuyên được chăm lo bồi dưỡng, đào tạo, chuẩn hoá, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ luôn được quan tâm hàng đầu; công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế Một cửa đạt được kết quả khá tốt.

c. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị –xã hội từ huyện đến xã thường xuyên được củng cố về  tổ chức, đổi mới về hoạt động, chăm lo phát triển đoàn viên, hội viên, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, động viên các tầng lớp nhân dân hưởng ứng các định hướng, chủ trương chính sách của Đảng, chấp hành pháp luật của Nhà nước, tạo được nhiều phong trào thi đua thiết thực góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

Ghi nhận những thành tích đạt được, đồng thời động viên tinh thần vượt khó của cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc huyện nhà; thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân được các cấp, các cơ quan có thẩm quyền tặng thưởng và công nhận danh hiệu thi đua. Đặc biệt, ngày 21/06/2009, Thủ tướng Chính Phủ ban hành Quyết định số 715/QĐ – TTg, tặng cờ thi đua của Chính phủ cho Uỷ ban nhân dân huyện với thành tích “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác và và dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2008 của tỉnh Lâm Đồng”; ngày 21/01/2008, Chủ tịch Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Quyết định số 73/2008/QĐ – CTN tặng thưởng huân chương lao động hạng III cho nhân dân và cán bộ huyện Cát Tiên. 

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội huyện Cát Tiên giai đoạn 2010 – 2015, tầm nhìn đến năm 2020 và các năm tiếp theo được xác định:

1. Mục tiêu lâu dài.

- Giai đoạn 2015 – 2020: Xác định cơ cấu kinh tế của huyện vẫn là nông - lâm nghiệp, thương mại - dịch vụ và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Song cần chuyển mạnh cơ cấu kinh tế sang hướng thương mại – dịch vụ - du lịch và tiểu công nghiệp vào cuối giai đoạn 2015 – 2020.

- Sau năm 2020: Cơ cấu kinh tế của huyện xác định là thương mại - dịch vụ - du lịch, nông lâm -  nghiệp và tiểu thủ - công nghiệp.

2. Mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2010 – 2015 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Cát Tiên lần thứ VI, nhiệm kỳ 2010 – 2015, là:

- Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ VI vào cuối năm 2014 (về đích trước 01 năm).

- Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm (2010-2015) từ 16 - 17%; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 từ 25 - 26 triệu đồng.

+ Cơ cấu GDP đến năm 2015: Tỷ trọng các ngành thuộc lĩnh vực nông - lâm nghiệp từ 44 – 45%; tỷ trọng các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp – xây dựng từ 22 – 23%; tỷ trọng các ngành thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ từ 32 – 33% so với GDP.

+ Tỷ lệ huy động ngân sách bình quân hàng năm giai đoạn 2010 - 2015 từ 5 – 6% so với GDP (trong đó thuế, phí từ 3 - 4% so với GDP). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2010 – 2015 đạt từ 200 - 240 tỷ đồng.

+ Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2010 - 2015 từ 1.800 – 2.000 tỷ đồng, chiếm từ 45 – 50% so với GDP.

- Về xã hội:

+ Giải quyết việc làm mới hàng năm từ 1.000- 1.500 lao động.

Đến năm 2015:

+ Có 80% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; 70% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh.

+ Có từ 80 - 85% học sinh trong độ tuổi tốt nghiệp THPT và tương đương; có 30% số trường đạt chuẩn quốc gia.

+ Có từ 35 - 40% lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế đã qua đào tạo; trong đó có từ 15 - 20% được đào tạo nghề.         

+ Tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%; trong đó vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn dưới 15%.

+ Có ít nhất 03 xã đạt các tiêu chí về nông thôn mới.

+ Có 30% xã, thị trấn; 100% thôn, buôn, tổ dân phố, cơ quan đạt danh hiệu tiêu chuẩn văn hoá và 85% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hoá.

-  Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng – an ninh

Để đạt được mục tiêu trên, huyện Cát Tiên quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả 5 chương trình trọng tâm, đó là: Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hoá; chương trình phát triển thương mại dịch vụ; chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với chỉnh trang đô thị; chương trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ gắn với phát triển và bảo vệ rừng; và chương trình đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 05 công trình trọng điểm, đó là: Công trình đường ĐH 92; công trình đường từ xã Đồng Nai Thượng đến xã Lộc Bắc - huyện Bảo Lâm; công trình hồ Đạ Sị; công trình Trung tâm văn hoá thể thao huyện; và công trình Trung tâm thương mại huyện.

Gắn với thực hiện 05 khâu đột phá được xác định tại Kết luận số 117-KL/HU ngày 28/3/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Cát Tiên khoá VI Về một số chủ trương, định hướng lớn phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 – 2015 và những năm tiếp theo, đó là:

- Thứ nhất: Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa, trong đó trọng tâm là củng cố và phát triển thương hiệu lúa gạo Cát Tiên; xây dựng thương hiệu “Cá Lăng Cát Tiên”, “Diệp hạ châu Cát Tiên”. Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nhằm tạo bước đột phá mới trong phát triển nông nghiệp.

- Thứ 2. Đầu tư kết cấu hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới và thực hiện xóa đói, giảm nghèo, chỉnh trang đô thị, tạo tiền đề cho phát triển dịch vụ - du lịch.

- Thứ 3. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề giải quyết việc làm đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phục vụ dịch vụ -  du lịch.

- Thứ 4. Tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tiềm năng thế mạnh của huyện; tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm gắn với phát triển thương hiệu (hay nói khác đó là chú trọng thực hiện tốt hoạt động tiếp thị, marketting).

- Thứ 5. Đổi mới phương thức lãnh đạo, tổ chức thực hiện; trọng tâm là đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng làm chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành, tạo sự đồng thuận, đoàn kết thống nhất tư tưởng trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; đổi mới tư duy, thay đổi căn bản nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, và đảng viên trong hệ thống chính trị; trước hết là nhận thức về kinh tế trường để phù hợp với định hướng sản xuất hàng hóa; nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận và các đoàn thể; đổi mới phương pháp tập hợp và nâng cao chất lượng hội viên, đoàn viên; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng theo hướng trong sạch và bền vững; tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng yếu kém

Lượt xem: 7.009

 

Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001908250
  •  Đang online: 168
  •  Trong tuần: 10.849
  •  Trong tháng: 71.268
  •  Trong năm: 868.953