Chiều ngày 16/8/2024, UBND huyện Cát Tiên tổ chức hội nghị triển khai lấy ý kiến cử tri đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện giai đoạn 2023 - 2025. Dự hội nghị có đồng chí Dương Hùng Cường - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nông Văn Thành - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Bùi Văn Văn - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện; lãnh đạo một số cơ quan, ban ngành của huyện; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam các xã, thị trấn; tổ trưởng, tổ phó, thư ký các tổ lấy ý kiến cử tri ở các thôn, bản, tổ dân phố trong huyện.

Các đồng chí lãnh đạo và các đại biểu dự hội nghị
Tại hội nghị, Trưởng Phòng Nội vụ huyện Cát Tiên Trần Quốc Doanh đã thông qua Kế hoạch số 6972/KH-UBND ngày 16/8/2024 của UBND tỉnh Lâm Đồng về tổ chức lấy ý kiến cử tri, thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và các văn bản liên quan, các nội dung chính của các Đề án bao gồm: Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và Đề án sáp nhập các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên để thành lập huyện Đạ Huoai hoặc huyện Đạ Tiên thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Theo đó, công tác tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn huyện đối với đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện giai đoạn 2023 - 2025 được UBND huyện triển khai cho các xã, thị trấn tổ chức thực hiện từ ngày 17/8/2024 và hoàn thành trước ngày 21/8/2024. Để chuẩn bị cho công tác này, toàn huyện đã có 59 tổ lấy ý kiến cử tri ở các thôn, bản, tổ dân phố được thành lập, mỗi tổ lấy ý kiến cử tri có từ 7 đến 9 thành viên. Cử tri được lấy ý kiến là công dân đủ 18 tuổi trở lên (tính đến ngày lấy ý kiến cử tri) theo quy định tại Điều 2 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015. Hình thức lấy ý kiến là phát phiếu lấy ý kiến theo hộ gia đình, trong phiếu ghi đầy đủ họ tên của các thành viên trong gia đình đủ điều kiện được lấy ý kiến. Các tổ lấy ý kiến cử tri đến trực tiếp các hộ gia đình để thực hiện việc lấy ý kiến. Nội dung lấy ý kiến về việc chọn tên gọi của huyện mới khi sáp nhập 3 huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên thành một huyện.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị triển khai lấy ý kiến cử tri đối với đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện giai đoạn 2023 - 2025, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Hoàng Phúc nhấn mạnh, các xã, thị trấn cần triển khai tổ chức công tác lấy ý kiến cử tri kịp thời, đúng tiến độ, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng pháp luật và thực hiện các quy trình liên quan về công tác lấy kiến theo đúng quy định; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để Nhân dân hiểu rõ những lợi ích khi thực hiện chủ trương sáp nhập 3 huyện, từ đó tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân.

Tổ trưởng, tổ phố các tổ lấy ý kiến cử tri tham dự hội nghị
Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Lâm Đồng nói chung và việc sáp nhập các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên thành một huyện nói riêng nhằm thực hiện đúng chủ trương của Trung ương, của tỉnh; đảm bảo phù hợp với các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên giữa các đơn vị hành chính có liên quan; đơn vị hành chính cấp huyện hình thành sau khi sắp xếp đảm bảo tiêu chuẩn của đơn vị hành chính theo quy định tại Điều 4 Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vì cả 3 huyện đều không đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Đại biểu ở các tổ lấy ý kiến cử tri tham gia phát biểu ý kiến tại hội nghị
Trước đây, huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Đạ Huoai theo Quyết định số 68-HĐBT ngày 06/6/1986 của Hội đồng Bộ trưởng, nay là Chính phủ.
Vì vậy, việc sáp nhập các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên để thành một huyện là hợp lý và hết sức cần thiết nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển của đất nước, tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, xã hội. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi được tập trung hơn, tránh việc đầu tư xây dựng dàn trải. Đồng thời góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi ngân sách, góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Ngân Hậu
Nguồn(p): cattien.lamdong.gov.vn