TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG NĂM 2024
BẢO TỒN VĂN HÓA CỒNG CHIÊNG Ở ĐỒNG NAI THƯỢNG In trang
05/04/2024 01:41 CH

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO công nhận, đây là niềm tự hào của tất cả các dân tộc đang sinh sống trên đất nước Việt Nam, trong đó có người Mạ là một trong những chủ nhân của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Từ niềm tự hào này còn là trách nhiệm của cả cộng đồng nói chung và của những người chủ nhân nói riêng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Các bạn trẻ ở Đồng Nai Thượng học đánh cồng chiêng

Trong năm 2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng phối hợp với UBND huyện Cát Tiên tổ chức 2 lớp truyền dạy cồng chiêng cho đồng bào dân tộc Mạ ở xã Đồng Nai Thượng. Mỗi lớp truyền dạy có 30 học viên là con, em đồng bào dân tộc Mạ trong độ tuổi từ 15 đến 30 tuổi đang sinh sống trên địa bàn xã Đồng Nai Thượng tham gia học được 5 nghệ nhân tại địa phương trực tiếp truyền dạy, tập luyện và biểu diễn thành thạo 3 bài chiêng và múa xoang cơ bản của đồng bào Mạ với thời gian học trong vòng gần 1 tháng. Đây là một trong những hoạt động triển khai thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023. Các lớp truyền dạy đã góp phần động viên, cổ vũ nhiều bạn trẻ ở xã Đồng Nai Thượng tích cực tập luyện để nối tiếp nghệ thuật truyền thống đặc sắc dân tộc. Chị Điểu Thị Ngọc Hà ở thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng bày tỏ: “Em rất vui được học đánh cồng chiêng và múa xoang để có thể góp phần gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình.”

Các lớp học truyền dạy cồng chiêng được tổ chức ở xã Đồng Nai Thượng đã góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Cát Tiên, đồng thời xây dựng và phát triển nguồn nghệ nhân trẻ của đồng bào dân tộc Mạ làm lực lượng nòng cốt trong việc tham gia các hoạt động văn hoá truyền thống của địa phương, cũng như của tỉnh và khu vực, góp phần phát triển dịch vụ - du lịch, đa dạng các nội dung hoạt động của hệ thống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Điểu K’ Líp ở thôn Đạ Cọ, xã Đồng Nai Thượng chia sẻ: “Mình hy vọng sau khi được các nghệ nhân truyền dạy và biết đánh cồng chiêng thì sẽ tích cực tham gia các hoạt động trình diễn cồng chiêng ở trong và ngoài huyện để mọi người hiểu hơn về văn hóa của dân tộc mình”.

Biểu diễn cồng chiêng trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở thôn Bù Sa,  xã Đồng Nai Thượng

Từ bao đời nay, cồng chiêng đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của các cư dân bản địa ở Tây Nguyên nói chung và người Mạ ở huyện Cát Tiên nói riêng. Cồng chiêng là tiếng nói của tâm linh, của tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, việc bảo tồn và lưu giữ văn hóa cồng chiêng có ý nghĩa quan trọng đối với cộng đồng dân tộc, nhất là với những nghệ nhân cao tuổi luôn dành nhiều tâm huyết để truyền dạy kỹ thuật đánh cồng chiêng cho con cháu. Nghệ nhân ưu tú Điểu K' Lộc ở thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng cho biết: “Phải bảo tồn và gìn giữ văn hóa cồng chiêng vì đó là bản sắc văn hóa của dân tộc mình, không thể để mai một được. Người lớn nhắc nhở, dạy dỗ người trẻ học đánh cồng chiêng để lưu truyền từ đời này sang đời sau.”

Đêm hội cồng chiêng ở xã Đồng Nai Thượng

Bà Điểu Thị P’Rợt – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng cho biết: “Với sự quan tâm của UBND huyện và sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng trong việc mở các lớp truyền dạy cồng chiêng tại địa phương đã giúp cho địa phương vận động được nhiều hơn các bạn trẻ tham gia học đánh cồng chiêng và múa xoang để từ đó thực hiện tốt hơn việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc Mạ tại địa phương, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Bảo tồn văn hóa cồng chiêng của người Mạ ở Cát Tiên chính là một trong những hoạt động thiết thực góp phần bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại để tiếng chiêng của đại ngàn mãi ngân vang, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả định hướng về văn hóa mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Khúc Giang

Lượt xem: 384

 

Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002012257
  •  Đang online: 57
  •  Trong tuần: 57
  •  Trong tháng: 76.011
  •  Trong năm: 972.960