TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG NĂM 2024
HỘI VIÊN PHỤ NỮ DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG HUYỆN TÍCH CỰC CHUYỂN ĐỔI, CẢI TẠO VƯỜN ĐIỀU GIÀ CỖI, NĂNG SUẤT THẤP In trang
05/06/2024 02:54 CH

Những năm gần đây, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, cùng với sự nỗ lực, sáng tạo của bản thân, nhiều gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số trong huyện đã tích cực chuyển đổi, cải tạo vườn điều già cỗi, năng suất thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

IMG_20200518_142055

Nhờ chuyển đổi, cải tạo vườn điều già cỗi, năng suất thấp sang trồng cà phê mà nhiều gia đình hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Đồng Nai Thượng có cuộc sống ổn định

 

Từ thực tế trước đây nhiều diện tích điều trên địa bàn huyện  đã già cỗi, năng suất thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, các cấp, các ngành, trong đó có Hội Phụ nữ các cấp trong huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, nhu cầu thị trường ổn định như: sầu riêng, cà phê, trồng dâu nuôi tằm,...Bên cạnh đó, còn hỗ trợ hội viên vay vốn, hỗ trợ giống và vật tư nông nghiệp như; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,... qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số trong huyện chuyển đổi vườn điều thành công.

Năm 2020, với sự tuyên truyền, vận động, hỗ trợ của các cấp, ngành nông nghiệp và của Hội Phụ nữ các cấp trong huyện về khoa học, kỹ thuật và về giống dâu, phân bón, gia đình chị Điểu Thị Men ở Thôn 3, xã Phước Cát 2 đã chuyển 4 sào đất điều già cỗi, kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm. Chị Điểu Thị Men chia sẻ, thời gian đầu khi bắt tay vào thực hiện mô hình kinh tế mới gia đình gặp rất nhiều bỡ ngỡ, do chưa có nhiều kinh nghiệm và chưa nắm chắc kỹ thuật nên năng suất, chất lượng kén tằm đạt rất thấp. Nhưng làm dần rồi cũng quen và với sự hướng dẫn kỹ  thuật, từ kỹ thuật trồng cây dâu đến kỹ thuật chăm sóc, nuôi tằm nhằm đảm bảo tỷ lệ tằm sống cao của các cấp, các ngành nên sản lượng kén tằm tăng dần, từ đó nguồn thu nhập của gia đình cũng tăng lên. Với 4 sào đất trồng dâu, bình quân mỗi tháng gia đình chị Men nuôi từ 0,5 đến 1 hộp tằm giống tuy theo sản lượng lá dâu, sau khi trừ chi phí tiền tằm giống, phân bón cũng thu lãi từ 1,5 đến 2 triệu đồng. Chị Điểu Thị Men ở Thôn 3, xã Phước Cát 2 phấn khởi chia sẻ: “Điều thì một năm cho thu hoạch một lần và những năm gần đây điều cho năng suất rất thấp do dịch bệnh, thời tiết thay đổi. Từ khi chuyển sang trồng dâu nuôi tằm thì tháng nào cũng có nguồn thu nên cuộc sống gia đình đã ổn định, đủ đầy hơn”.

 Do dịch bệnh và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nên cây điều bị mất mùa, năng suất thấp; đồng thời, nhận thấy cây sầu riêng là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, năm 2018, gia đình chị Điểu Thị Mơn cũng  ở Thôn 3, xã Phước Cát 2 đã mạnh dạn chuyển những diện tích đất điều già cỗi, kém hiệu quả sang trồng hơn 200 cây sầu riêng. Nhờ áp dụng đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc được tập huấn, hướng dẫn và sự cần cù, chịu khó, vườn sầu riêng của gia đình chị Mơn phát triển khá tốt và đã cho thu hoạch sau 4 năm trồng với nguồn thu nhập cao hơn nhiều so với trồng điều. Chị Điểu Thị Mơn ở Thôn 3, xã Phước Cát 2 phấn khởi nói: “Trồng sầu riêng thì vốn đầu tư lớn, mất nhiều công chăm sóc nhưng bù lại cho hiệu quả kinh tế cao nên cả gia đình ai cũng rất vui”.

Vài năm gần đây, nhờ nguồn thu nhập chính từ 02 ha cà phê mà cuộc sống của gia đình chị Điểu Thị Thảo ở thôn Bù Sa, xã Đồng Nai Thượng đã được ổn định. Chị Thảo cho biết, trước đây cuộc sống của gia đình cũng rất khó khăn, luôn thiếu trước hụt sau do cây điều đã già cỗi, lại không đầu tư, chăm sóc nên năng suất rất thấp. Kể từ năm 2015, được sự tuyên truyền, vận động và hỗ trợ về giống, vốn, tập huấn kỹ thuật của các cấp, các ngành và Hội Phụ nữ, gia đình chị đã cải tạo, chuyển đổi những diện tích điều già cỗi sang trồng 02 héc ta cà phê. Trong quá trình trồng cây cà phê, gia đình luôn chú trọng đến khâu chăm sóc, bón phân, định kỳ thì tỉa cành, mùa khô thì tưới nước cho cây…nên vườn cà phê phát triển xanh tốt, đạt năng suất cao, từ đó đã đem đến nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Chị Điểu Thị Thảo phấn khởi nói: “Vài năm nay giá cà phê ổn định ở mức cao nên nguồn thu nhập của gia đình cũng tăng, từ đó cuộc sống ổn định, ấm no hơn”.

Với sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp, các ngành và của các cấp Hội Phụ nữ trong huyện, không chỉ có gia đình chị Điểu Thị Men, Điểu Thị Mơn, chị Điểu Thị Thảo mà còn nhiều gia đình hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số khác trong huyện cũng tích cực chuyển đổi, cải tạo vườn điều già cỗi sang trồng những loại cây trồng mới đang phát triển xanh tốt, đã, đang và sẽ cho hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình chị em phụ nữ dân tộc thiểu số trong huyện nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

                                                                    Mai Lan

Lượt xem: 188

 

Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001864521
  •  Đang online: 65
  •  Trong tuần: 16.797
  •  Trong tháng: 27.539
  •  Trong năm: 825.224