Cát Tiên là huyện thuần nông, cây trồng chính là lúa nước nên thủy lợi luôn luôn có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, trong nâng cao thu nhập và đời sống của phần lớn dân cư. Nhận thức được khó khăn về nước tưới cho cây trồng của nông dân trong khi địa phương còn thiếu nhiều công trình thủy lợi lớn được đầu tư xây dựng bằng ngân sách nhà nước và khắc phục tình trạng địa hình bị chia cắt, từ tháng 10 năm 2002, UBND huyện Cát Tiên đã ban hành Quyết định 448/2002/QĐ-UB về việc “Ban hành Quy định tạm thời đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi nhỏ thuộc nguồn vốn ngân sách huyện…” (ngành nông nghiệp huyện Cát Tiên gọi Quyết định này là “Cơ chế 448”).
Kênh mương nội đồng được kiên cố hoá, góp phần phát triển kinh tế địa phương - Ảnh: Minh Ngọc
Chính từ việc thực hiện thành công cơ chế này mà tới nay với trên 63% diện tích cây trồng được tưới nước chủ động, Cát Tiên đã trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh về chỉ tiêu này. Đây là bài học kinh nghiệm quý báu để huyện tiếp tục vận động nhân dân làm thủy lợi nhỏ trong thời gian tới mặc dù “Cơ chế 448” nay đã không còn được thực hiện.
Chương trình thủy lợi nhỏ được UBND Cát Tiên thực hiện từ năm 2003 theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” khi đầu tư xây dựng công trình với mức ngân sách huyện hỗ trợ tối đa không quá 50% tổng chi phí xây dựng phần đầu mối và không vượt quá 20 triệu đồng/công trình. Để đầu tư có hiệu quả, hồ sơ dự toán thi công công trình phải do UBND xã thiết lập, phải được Phòng NN-PTNT huyện phối hợp kiểm tra và xúc tiến huy động vốn đóng góp của những người hưởng lợi, đơn vị thi công công trình phải có tư cách pháp nhân. Với cách làm này, đến nay trên địa bàn huyện Cát Tiên có 53 công trình thủy lợi thì có tới 43 công trình quy mô nhỏ được đầu tư thi công bằng ngân sách địa phương cùng với đóng góp của nhân dân và do UBND cấp xã trực tiếp quản lý, chưa kể hàng trăm công trình nhỏ và siêu nhỏ (chủ yếu là các đập bổi) do nhân dân tự đầu tư, và chỉ có 10 công trình được thi công bằng ngân sách tỉnh và ngân sách Trung ương do Sở NN-PTNT tỉnh quản lý. Các công trình thủy lợi nhỏ này tuy chỉ tưới - tiêu nước cho từ 1 tới 30 ha cây trồng/công trình, song có thể khẳng định việc đầu tư thủy lợi nhỏ như Cát Tiên đang làm đã có hiệu quả kinh tế rất cao: Tỷ suất đầu tư tưới nước cho một diện tích thấp hơn nhiều lần so với tỷ suất đầu tư ở các công trình có quy mô vừa và trên vừa do Nhà nước đầu tư ở cùng địa bàn; nhiều diện tích đất bị bỏ hoang lâu ngày do hạn hán và ngập lụt được đưa vào sản xuất lúa 2-3 vụ/năm… Cái được lớn nhất mà Cát Tiên đã thu được thời gian qua 10 năm qua là đã phát động và duy trì được rộng rãi phong trào làm thủy lợi nhỏ, từng bước “xã hội hóa công tác thủy nông” ở các xã hiện thường xuyên bị hạn hán hàng năm như Tiên Hoàng, Gia Viễn, Mỹ Lâm, Tư Nghĩa.. Thông qua việc làm chủ đầu tư và quản lý công trình thủy lợi nhỏ, UBND các xã có công trình đã quen dần với chức năng quản lý nhà nước trong xây dựng cơ bản, nâng cao được ý thức của nhân dân trong giám sát thi công cũng như bảo vệ công trình sau thi công.
Từ thực tế với việc chống hạn cho vụ đông xuân 2012-2013 vừa qua đã cho thấy phần lớn các công trình thủy lợi nhỏ của huyện đều hoạt động bình thường, phát huy hiệu quả tưới cao, song đều có những hư hỏng cần được sớm sửa chữa với tổng kinh phí theo dự toán của UBND huyện là gần 2 tỷ đồng (nguồn kinh phí này là không lớn so với việc cung cấp nước tưới chủ động cho hơn 3.700 ha cây trồng) trong đó có 1,13 tỷ đồng vốn ngân sách và 0,855 tỷ đồng do nhân dân đóng góp. Thi công công trình thủy lợi nhỏ theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ” và vận động nhân dân tự đầu tư thi công công trình theo đúng quy hoạch thủy lợi đã được Sở NN-PTNT và UBND huyện xác lập từ những năm trước sẽ tiếp tục được thực hiện tại Cát Tiên. Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư bằng ngân sách nhà nước trong thời gian tới chủ yếu sẽ là hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng của các công trình đã có, thi công thêm một số công trình có tính bức xúc cao ở các xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Đức Hưng - baolamdong.vn