TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG NĂM 2024
CÁT TIÊN: VÙNG ĐẤT VỚI NHỮNG ĐỔI THAY TƯƠI SÁNG QUA 35 NĂM THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN In trang
25/01/2022 08:18 SA

Ngày 01/01/1987, huyện Cát Tiên chính thức đi vào hoạt động và đó được được xem là ngày thành lập, đánh dấu sự ra đời của huyện Cát Tiên. Trải qua 35 năm thành lập và phát triển, huyện Cát Tiên đã có rất nhiều đổi thay rõ rệt trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, diện mạo của một vùng đất văn minh, giàu đẹp đang từng ngày hiện hữu trên mỗi nẻo đường, từng ngõ xóm ở các khu dân cư.

Description: Đường trung tâm nội thị của huyện Cát Tiên hôm nay

Đường trung tâm nội thị của huyện Cát Tiên hôm nay

          VƯỢT KHÓ VƯƠN LÊN

Trong suốt chặng đường 35 năm kể từ ngày huyện Cát Tiên chính thức được thành lập cho đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Cát Tiên đã chung sức, đồng lòng, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, kiên trì khai hoang, phục hóa và từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng theo hướng văn minh, hiện đại.

Từ buổi ban sơ với dân cư thưa thớt, đời sống nhân dân còn muôn vàn khó khăn, thiếu thốn; cơ sở hạ tầng tạm bợ, hệ thống giao thông hầu như chỉ là những tuyến đường mòn sình lầy, hoang vu và không thể không kể đến những trận lũ lịch sử đã khiến Cát Tiên được mệnh danh là "rốn lũ" của tỉnh Lâm Đồng. Với đặc thù là một huyện thuần nông nên những cơn lũ liên tiếp trong 4 năm liền, từ năm 1999 đến năm 2002, đã khiến người dân Cát Tiên lao đao khi vườn, ruộng, nhà cửa đều ngập trắng trong nước. Vượt qua những tổn thất nặng nề sau lũ, Cát Tiên lại hồi sinh với những mầm xanh được ươm trồng từ những bàn tay cần cù của những người nông dân chân chất và ý chí kiên cường trước gian nan, thử thách.

Ông Hoàng Thanh - Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện Cát Tiên trong một lần về thăm lại Cát Tiên đã xúc động chia sẻ: “Đó là những năm tháng cực kỳ gian khó, đời sống thiếu thốn trăm bề, nhưng càng khó khăn, thử thách, mỗi người dân lại càng kiên trì bám trụ với ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên”.

Bà Lâm Thị Thảo, một người đã vào lập nghiệp ở xã Tiên Hoàng từ năm đầu huyện Cát Tiên được thành lập thì vẫn còn nhớ Cát Tiên khi đó là bạt ngàn lau sậy và rừng, đường đi chỉ là những lối mòn và người dân không có phương tiện gì để đi lại ngoài đi bộ. Để có đất trồng trọt, canh tác, người nông dân phải tự tay phát dọn, cuốc sới hàng ngày bằng chính sức lực của mình. “Cuộc sống lúc đó khó khăn lắm nhưng chúng tôi vẫn luôn lạc quan, tin tưởng với sự cố gắng của mình thì cuộc sống sẽ dần đi lên”, bà Thảo nói.

           SỨC SỐNG TRÊN VÙNG ĐẤT MỚI

35 năm, một chặng đường với biết bao tìm tòi, khảo nghiệm và cũng là bấy nhiêu nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội để người dân nơi đây có cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc. Trong suốt chặng đường ấy, Cát Tiên đã có sự chuyển mình rõ rệt trong với rất nhiều đổi thay cơ bản từ cơ sở hạ tầng đến đời sống dân sinh.

Từ chủ trương, định hướng đúng đắn của Ban chấp hành Đảng bộ huyện khóa V về phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gắn với việc hình thành và quy hoạch vùng sản xuất lúa chất lượng cao, lúa giống theo tiêu chuẩn Việt GAP, phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng "sind hóa đàn bò, nạc hóa đàn heo" theo quy mô trang trại và đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật nên sản xuất nông nghiệp của huyện Cát Tiên đã có những chuyển biến rõ rệt. Cát Tiên đã trở thành vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng không chỉ về sản lượng mà còn cả về chất lượng. Huyện đã duy trì diện tích gieo trồng lúa chất lượng cao 7.600ha, chiếm 84,5% diện tích lúa nước ở địa phương và phát triển diện tích lúa giống trên 600 ha. Nếu như năm 1987, năng suất bình quân của cây lúa trên địa bàn huyện chỉ đạt 2 tấn rưỡi/ha thì nay đã nâng lên gần 6,4 tấn/ha. Đặc biệt, năm 2010, huyện Cát Tiên đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp quyền sở hữu nhãn hiệu "Lúa - gạo Cát Tiên" và trong những năm vừa qua, sản phẩm gạo Cát Tiên đã được đưa đi tham gia tại các Festival Lúa gạo Việt Nam và các Hội chợ thương mại lớn ở trong và ngoài tỉnh, từ đó đã mở rộng thị trường tiêu thụ lúa, gạo Cát Tiên và từng bước vươn tới trở thành một thương hiệu uy tín, chất lượng trên thị trường lúa gạo.

Description: Những cánh đồng lúa chất lượng cao ở huyện Cát Tiên

Những cánh đồng lúa chất lượng cao ở huyện Cát Tiên

Huyện Cát Tiên đã tạo điều kiện và khuyến khích bà con nông dân phát triển kinh tế vườn hộ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ phù hợp với quy hoạch và điều kiện sản xuất nông nghiệp của địa phương, hình thành phát triển kinh tế tập thể, tạo chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, huyện Cát Tiên đã có 6 sản phẩm được UBND tỉnh Lâm Đồng chứng nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao và 4 sao, có 7 nông sản được truy xuất nguồn gốc và có 17 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, trong đó có 15 chuỗi cấp huyện và 2 chuỗi liên tỉnh.

Cùng với định hướng nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông - lâm - ngư nghiệp, trong những năm qua, huyện Cát Tiên còn chú trọng phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, tập trung kêu gọi vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, mở rộng quy mô và đa dạng sản phẩm kinh doanh.

Trên lĩnh vực thu ngân sách nhà nước, huyện Cát Tiên đã triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung công tác xác định các nguồn thu trọng điểm, tuyên truyền vận động, chống thất thu ngân sách và xử lý triệt để tình trạng nợ thuế nên hàng năm, huyện đã thực hiện đạt và vượt kế hoạch thu ngân sách với số thu năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 1989 là năm đầu tiên huyện thực hiện thu ngân sách với số thu là hơn 400 triệu đồng, đến năm 2021, huyện đã thu ngân sách nhà nước đạt trên 42,4 tỷ đồng.

Giai đoạn 2010- 2021 là giai đoạn đánh dấu bước tiến vượt bậc của huyện Cát Tiên trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân địa phương. Những công trình có quy mô lớn như: quảng trường Phạm Văn Đồng, đường ĐT 721, ĐH 91, ĐH92, Hồ Đạ Sỵ, cầu Vĩnh Ninh, các công trình trường học, trạm y tế, nhà văn hóa,… và các tuyến đường liên xã đã tạo một diện mạo tươi sáng cho vùng đất chiến khu D anh hùng.

Ngày mới bắt đầu với những tia nắng bình minh ấm áp, được đi trên những con đường bằng phẳng, rộng rãi, sạch sẽ, với rất nhiều người dân sinh sống trên địa bàn huyện Cát Tiên đó thật sự là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn khi cơ sở hạ tầng của huyện đã ngày một khang trang hơn, hiện đại hơn. Cát Tiên hôm nay đã có đường nhựa đến từng xã và rất nhiều thôn ở vùng sâu, vùng xa đã có những con đường liên thôn, liên xóm được đổ bê tông kiên cố, sạch đẹp. Đó còn là kết quả của việc triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới như một luồng gió mát thổi vào tinh thần tự lực tự cường của những người dân lam lũ nơi đây. Nhà nhà, người người cùng hăng hái đóng góp công sức, tiền của và hiến đất để bê tông hóa những tuyến đường giao thông nông thôn liên thôn, liên xóm và đường nội đồng. Cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng kiên cố kiến người dân trong huyện đều cảm thấy phấn khởi bởi không chỉ có đường sạch, đẹp để đi mà con em còn có những ngôi trường khang trang để học, trạm y tế được xây dựng rộng rãi, thoáng mát với các trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại, các thôn đều có nhà sinh hoạt cộng đồng, các xã còn có nhà văn hóa và sân vận động để bà con tập luyện thể dục thể thao. Ông Trần Văn Luyện ở xã Nam Ninh vui vẻ cho biết: “Trước đây, vào mùa mưa, hầu như người dân chúng tôi không thể ra trung tâm huyện vì đường bị ngập lụt, muốn đi phải đi bằng thuyền và lội bộ. Nhiều năm nay, đường sá đi lại thông suốt, sạch đẹp, kiên cố, là người dân, chúng tôi cảm thấy rất vui mừng và phấn khởi.”

Description: Cổng chào xã Gia Viễn - xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về môi trường

Cổng chào xã Gia Viễn - xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về môi trường

Trên lĩnh vực văn hóa xã hội, huyện Cát Tiên đã có những đổi thay căn bản trong việc nâng cao trình độ dân trí, chăm lo sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Trong năm đầu thành lập, huyện Cát Tiên chỉ có 7 trường học với khoảng 3 nghìn học sinh cùng gần 200 giáo viên. Đến nay, huyện đã có 34 trường học với trên 9 nghìn học sinh mỗi niên khóa. Nhờ chú trọng công tác đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên nên chất lượng giáo dục, đào tạo của huyện Cát Tiên không ngừng được nâng cao. Huyện đã duy trì công tác phổ cập tiểu học, trung học cơ sở đúng độ tuổi, hoàn thành phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi và triển khai phổ cập trung học phổ thông. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt từ 98% trở lên; tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt từ 90% trở lên, riêng năm 2021 đã đạt 100%. Huyện đã có nhiều học sinh giỏi các cấp, trong đó có nhiều em đạt thủ khoa tại các kỳ thi và đạt giải cao trong các kỳ thi cấp quốc gia. Hiện, toàn huyện đã có trên 91% trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và mức độ 2.

Description: Các em học sinh học tập trong những ngôi trường khang trang, sạch đẹp

Các em học sinh học tập trong những ngôi trường khang trang, sạch đẹp

Cùng với giáo dục - đào tạo, huyện Cát Tiên đã chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Nếu như năm 1987, huyện Cát Tiên chỉ có 5 trạm y tế xã và có duy nhất một bác sĩ cùng 32 y sĩ thì đến nay, huyện đã có 12 cơ sở y tế, trong đó có một trung tâm y tế với quy mô 50 giường bệnh và 2 phòng khám khu vực, 7 trạm y tế xã, thị trấn cùng đội ngũ y bác sĩ có năng lực, trình độ, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của Nhân dân. 100% xã, thị trấn đều đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân đạt 93,68%.

Sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, dịch vụ với những lợi thế riêng biệt, Cát Tiên hôm nay đang từng bước chuyển mình, tranh thủ và thu hút các nguồn vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng các công trình dự án để đưa ngành du lịch, dịch vụ phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Di tích khảo cổ Cát Tiên được công nhận là di tích quốc gia năm 1997 và vào tháng 12/2014 đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Điểm đặc biệt nhất của Khu Di tích khảo cổ học Cát Tiên chính là những cổ vật được tìm thấy, đó là hình tượng Linga và Yoni thờ thần Siva đã được các nhà khoa học xác định là lớn nhất Đông Nam Á. Những phát hiện, khám phá mới về Di tích khảo cổ Cát Tiên đang từng bước đưa di tích Cát Tiên lan tỏa, khẳng định đây là một di sản văn hóa vô giá trên vùng đất Nam Tây Nguyên và Đông Nam Bộ của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Cát Tiên còn có Căn cứ kháng chiến Khu VI là Di tích lịch sử cấp Quốc gia, có hang Thoát y được công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp tỉnh, có những buôn làng của người Mạ và S’Tiêng còn lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống và những câu lạc bộ hát then, đàn tính của bà con dân tộc Tày, Nùng vào sinh sống, lập nghiệp tại Cát Tiên.

Description: Sinh hoạt văn hóa cồng chiêng trong ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư

Sinh hoạt văn hóa cồng chiêng trong ngày hội đại đoàn kết ở khu dân cư

Trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ huyện Cát Tiên đã qua 8 kỳ đại hội. Đảng bộ huyện thường xuyên đổi mới và chỉnh đốn Đảng trên cả các mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nếu như năm 1989, Đảng bộ huyện Cát Tiên có 23 tổ chức cơ sở Đảng với 440 đảng viên thì đến nay có 33 tổ chức cơ sở Đảng với 2.046 đảng viên.     Tổ chức bộ máy của HĐND, UBND, UBMTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội từ huyện đến xã, thị trấn luôn được củng cố, kiện toàn và hoạt động ngày càng có hiệu quả, qua đó phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo được nhiều phong trào thi đua thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên, đáp ứng yêu cầu xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh trong giai đoạn cách mạng hiện nay.

Description: Thôn văn hóa kiểu mẫu ở Cát Tiên

Thôn văn hóa kiểu mẫu ở Cát Tiên

Với sự đồng thuận và nỗ lực chung của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, năm 2012, huyện Cát Tiên đã cơ bản thoát khỏi tình trạng kém phát triển và từ năm 2014, huyện không còn thôn nghèo. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện Cát Tiên đã đạt 56,6 triệu đồng /người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 còn 0,41%; huyện đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xét công nhận huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững ổn định.

Ghi nhận những thành tích đạt được, đồng thời động viên tinh thần vượt khó của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, trong thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân trong huyện đã được các cấp, các ngành tặng thưởng và công nhận nhiều danh hiệu thi đua. Tháng 10/2016, Nhân dân và cán bộ huyện Cát Tiên đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất.

Cát Tiên, vùng đất chiến khu D năm xưa giờ đang đổi thay từng ngày với những sắc màu tươi thắm. Ẩn đằng sau những nét đẹp hiền hòa, thanh bình cùng những âm thanh rộn ràng của cuộc sống là ý chí và nghị lực kiên cường của những con người luôn sẵn sàng vượt qua khó khăn, gian khổ để xây dựng vùng đất này ngày càng trù phú, văn minh và hiện đại.

Nguồn tin: lamdong.gov.vn

Lượt xem: 1.431

 

Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002024620
  •  Đang online: 45
  •  Trong tuần: 7.638
  •  Trong tháng: 56.323
  •  Trong năm: 56.323