TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG NĂM 2024
Hạt ngọc vàng trên vùng đất Cát Tiên In trang
24/06/2024 02:57 CH

Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, triển khai thực hiện các chương trình trọng tâm phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hàng hoá, xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch, chuyên đề trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2021-2025. Đó là mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cát Tiên lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Huyện Cát Tiên là huyện có sản lượng lúa gạo hàng năm nhiều nhất tỉnh Lâm Đồng. Cây lúa nước được xác định là ngành hàng có lợi thế số một trong phát triển nông nghiệp của huyện. Do đó, cần phải tập trung tái cơ cấu trong việc phát triển cây lúa hiện nay của huyện, xây dựng cánh đồng mẫu, các vùng chuyên canh phát triển cây lúa chất lượng cao, vùng sản xuất an toàn. Mở rộng sản xuất lúa giống, lúa hữu cơ, xúc tiến việc nghiên cứu khảo nghiệm, chọn lọc giống lúa đặc trưng của huyện để đưa vào sản xuất, tạo nguyên liệu cho phát triển nhãn hiệu “Lúa gạo Cát Tiên”. Nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi đã được đầu tư, xây dựng như: Hồ chứa đập Đắc Lô, hồ chứa Tư Nghĩa, hồ chứa Đạ sị... để đáp ứng đủ nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Áp dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển cây lúa hữu cơ nhằm tăng năng suất, giá trị trên đơn vị diện tích.

 Trong năm 2023, tổng diện tích gieo trồng trên toàn huyện là 9.042 ha, tổng sản lượng lương thực là 57.978 tấn. Trong đó, diện tích lúa chất lượng cao là 7.460 ha, diện tích lúa giống 593 ha, diện tích lúa an toàn theo hướng hữu cơ là 215 ha. Trong định hướng phát triển cây lúa giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn huyện, khảo sát và đưa vào quy hoạch là 1.390 ha (10 vùng/7 xã và 2 thị trấn), cụ thể xã Phước Cát 2 là 107 ha; thị trấn Phước Cát là 108 ha; xã Đức Phổ là 135 ha; thị trấn Cát Tiên là 294 ha (02 vùng); xã Gia viễn 252 ha (02 vùng); xã Tiên Hoàng 109 ha; xã Nam Ninh 280 ha; xã Quảng Ngãi là 105 ha (01 vùng). Tập trung đưa các loại giống chất lượng cao vào sản xuất như: OM 6162; OM 4900; OM 5451, RVT; ST 24, ST25 các loại giống này thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương; khả năng chống chịu sâu bệnh tốt; năng suất, chất lượng cao, được thị trường tin dùng.

Huyện đang quy hoạch, xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn, các mô hình liên kết sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn VietGAP gắn với xây dựng nhãn hiệu “Lúa gạo Cát Tiên”, nâng cao giá trị sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người nông dân. Thực hiện tái cơ cấu để xây dựng ngành nông nghiệp của huyện phát triển toàn diện và bền vững, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng và thích ứng với điều kiện tự nhiên, tình hình biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, bảo đảm tăng thu nhập cho người nông dân và tăng sức cạnh tranh của nhãn hiệu “Lúa gạo Cát Tiên” với các nhãn hiệu lúa gạo ở các địa phương khác trong và ngoài tỉnh.

Mở rộng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao ở các vùng đất thích hợp, ứng dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật canh tác tiên tiến, phương pháp quản lý dinh dưỡng tổng hợp, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, chế phẩm vi sinh, chế phẩm sinh học... nhằm sản xuất các sản phẩm lúa gạo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo cho người sản xuất và người tiêu dùng. Đẩy mạnh cơ chế liên kết hợp tác “bốn nhà” trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, chế biến, tiêu thụ.

Chú trọng công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá gạo chất lượng cao... ở một số địa phương trong và ngoài tỉnh. Khảo nghiệm các giống lúa mới có triển vọng bổ sung vào cơ cấu giống của huyện theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng. Tăng cường công tác dự tính, dự báo sinh vật gây hại cây trồng để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Phát triển hệ thống phân phối tại các thị trường ở các tỉnh, đặc biệt là kết nối hệ thống các siêu thị, trường học, khu công nghiệp... làm khâu cầu nối để tiêu thụ sản phẩm.

Đặc biệt, trong thời gian tới, huyện sẽ chú trọng hơn nữa việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm “Lúa gạo Cát Tiên”. Các doanh nghiệp tham gia vào nhãn hiệu phải có uy tín, sản phẩm cung ứng ra thị trường phải đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Xây dựng thương hiệu lúa gạo của địa phương gắn với OCOP.

Nguyễn Văn Hòa - xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên

 

 

Lượt xem: 871

 

Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 002024282
  •  Đang online: 67
  •  Trong tuần: 7.300
  •  Trong tháng: 55.985
  •  Trong năm: 55.985