Ban Thường vụ Huyện ủy quy định và hướng dẫn kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trên địa bàn huyện như sau:
A. KIỂM ĐIỂM TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH
1. Đối tượng kiểm điểm
1.1. Tập thể
a) Cấp huyện
- Tập thể Thường trực HĐND; lãnh đạo UBND huyện;
- Tập thể Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; Ban Thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hội huyện;
- Tập thể lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, cơ quan, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND huyện (trừ các Trường Mầm non, Tiểu học, THCS);
- Tập thể lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện ủy.
b) Cấp cơ sở
- Cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng (Bí thư, Phó Bí thư - nơi chưa có Cấp ủy);
- Chi ủy Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở (Bí thư, Phó Bí thư - nơi chưa có Cấp ủy).
1.2. Cá nhân
- Đảng viên trong toàn Đảng bộ (trừ đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng, đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng). Đối với Cấp ủy viên bị đình chỉ sinh hoạt Cấp ủy thì vẫn phải kiểm điểm.
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
2. Nơi kiểm điểm
2.1. Đối với tập thể: Tập thể lãnh đạo, quản lý ở cấp nào thực hiện kiểm điểm ở cấp đó.
- Ở cấp huyện
+ Tập thể lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc huyện có thể kết hợp kiểm điểm tập thể lãnh đạo, quản lý cơ quan, đơn vị với Cấp ủy nơi sinh hoạt (nếu các thành viên lãnh đạo đều trong Cấp ủy).
+ Tập thể Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; Ban Thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hội huyện: Kiểm điểm tại hội nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và hội nghị Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội huyện khi tiến hành tổng kết năm.
- Cấp cơ sở
+ Đảng ủy cơ sở kiểm điểm tại hội nghị của Đảng ủy; Chi ủy cơ sở, Chi ủy Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở kiểm điểm tại hội nghị Chi bộ.
+ Tập thể Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, thị trấn; Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội xã, thị trấn kiểm điểm tại hội nghị của Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã, thị trấn và hội nghị Ban Chấp hành các đoàn thể chính trị - xã hội xã, thị trấn khi tiến hành tổng kết năm.
2.2. Đối với cá nhân
- Đảng viên kiểm điểm ở Chi bộ nơi sinh hoạt. Đối với đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, ngoài kiểm điểm ở Chi bộ nơi sinh hoạt, còn thực hiện kiểm điểm như sau:
+ Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo, quản lý tổ chức, cơ quan, đơn vị nơi làm việc.
+ Các đồng chí Đảng ủy viên cơ sở kiểm điểm trước tập thể Ban Chấp hành và tập thể lãnh đạo, quản lý nơi mình là thành viên.
Đảng viên giữ nhiều chức vụ lãnh đạo, quản lý ngoài kiểm điểm ở những nơi nêu trên, có thể kiểm điểm ở nơi khác (nếu cần) do cấp có thẩm quyền quyết định.
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nơi thực hiện chế độ thủ trưởng thì kiểm điểm trước hội nghị cán bộ chủ chốt hoặc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị nơi làm việc (đối với những cơ quan, đơn vị có dưới 20 người), hoặc lồng ghép kiểm điểm trước Cấp ủy (nếu là Cấp ủy viên) hoặc Chi bộ nơi mình sinh hoạt (nếu là đảng viên).
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý không tham gia Cấp ủy các cấp; cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa là đảng viên kiểm điểm trước tập thể lãnh đạo, quản lý mà mình là thành viên hoặc trước hội nghị cán bộ chủ chốt, hoặc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức cơ quan, đơn vị nơi làm việc (đối với những cơ quan, đơn vị có dưới 20 người).
3. Nội dung kiểm điểm tập thể lãnh đạo, quản lý; đảng viên và cán bộ lãnh đạo, quản lý (thực hiện theo Quy định số 19-QĐ/TU ngày 13/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy).
4. Các bước tiến hành
4.1. Chuẩn bị kiểm điểm
a) Chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của tập thể, cá nhân
- Tự viết tay hoặc đánh máy Bản kiểm điểm; không sao chép, photo mẫu kiểm điểm để điền theo kiểu đối phó; nêu đúng việc, đúng chức trách của mình. Bản kiểm điểm đánh giá sâu, thực chất, không đối phó, tràn lan…
- Người đứng đầu Cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo chuẩn bị báo cáo kiểm điểm của tập thể theo Mẫu 01 và lấy ý kiến đóng góp của tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của cấp có thẩm quyền. Dự thảo báo cáo kiểm điểm gửi trước cho các thành viên tham gia hội nghị kiểm điểm ít nhất 03 ngày làm việc.
- Mỗi cá nhân làm một bản tự kiểm điểm theo Mẫu 02, gửi Chi ủy, Chi bộ trước 03 ngày tổ chức hội nghị kiểm điểm.
b) Gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân
- Ban Thường vụ Huyện ủy gợi ý kiểm điểm đối với Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý.
- Cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý.
4.2. Tổ chức kiểm điểm
- Kiểm điểm đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý hằng năm được tiến hành vào dịp cuối năm. Kiểm điểm tập thể trước, cá nhân sau, người đứng đầu trước, cấp phó và các thành viên sau. Cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện kiểm điểm sau khi các tập thể lãnh đạo, quản lý của chính quyền, chuyên môn, đoàn thể đã hoàn thành kiểm điểm.
- Người đứng đầu hoặc người được ủy quyền trình bày báo cáo kiểm điểm của tập thể; từng thành viên trong tập thể tham gia góp ý và làm rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân đối với những ưu, khuyết điểm của tập thể. Người đứng đầu tổng hợp, kết luận từng nội dung tiếp thu để hoàn thiện báo cáo.
- Cá nhân trình bày Bản tự kiểm điểm; từng thành viên trong tập thể góp ý, phê bình; người chủ trì kết luận những ưu, khuyết điểm của từng cá nhân; cá nhân tiếp thu, hoàn thiện bản tự kiểm điểm. Khi kiểm điểm người đứng đầu thì phân công đồng chí cấp phó chủ trì. Đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý ở nơi nào thực hiện kiểm điểm sâu về chức trách, nhiệm vụ được giao ở nơi đó, ở Chi bộ tập trung kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
- Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng kế hoạch, phân công dự, chỉ đạo kiểm điểm ở những nơi có gợi ý kiểm điểm và phân công Cấp ủy viên, cán bộ các cơ quan tham mưu, giúp việc của Huyện ủy dự, chỉ đạo và tổng hợp kết quả kiểm điểm ở Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, quản lý cấp dưới.
- Thời gian tổ chức kiểm điểm của tổ chức Đảng, tập thể, cá nhân
+ Đối với các Đảng ủy cơ sở trực thuộc Huyện ủy, Chi bộ Văn phòng HĐND và UBND huyện, Chi bộ cơ quan khối Đảng, Chi bộ Mặt trận Đoàn thể tối thiểu 01 ngày (nơi được gợi ý kiểm điểm tối thiểu 1,5 ngày); các Chi bộ trực thuộc Huyện ủy còn lại kiểm điểm tối thiểu 1/2 ngày (nơi được gợi ý kiểm điểm tối thiểu 01 ngày).
+ Tập thể lãnh đạo, quản lý các phòng, ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện và tương đương kiểm điểm tối thiểu 1/2 ngày (nơi được gợi ý kiểm điểm tối thiểu 01 ngày).
+ Các tập thể, cá nhân còn lại tối thiểu là 1/2 ngày.
B. ĐÁNH GIÁ, XẾP LOẠI CHẤT LƯỢNG
1. Đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức đảng
1.1. Đối tượng
- Các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy.
- Các Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở.
1.2. Khung tiêu chí đánh giá, Khung tiêu chuẩn các mức chất lượng (thực hiện theo Quy định số 19-QĐ/TU ngày 13/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy)
1.3. Trách nhiệm, thẩm quyền
a) Đối với đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng
- Cấp ủy cơ sở (Chi bộ nơi không có Chi ủy) tự đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng bộ, Chi bộ mình.
- Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng các Đảng bộ, Chi bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy.
b) Đối với đánh giá, xếp loại Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở
- Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở tự đánh giá, xếp loại chất lượng Chi bộ mình.
- Trên cơ sở kết quả tự đánh giá, xếp loại của các Chi bộ trực thuộc, Đảng ủy cơ sở xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng các Chi bộ trực thuộc.
1.4. Cách thức thực hiện
Bước 1: Tự đánh giá, xếp loại chất lượng
* Đối với Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở
- Người đứng đầu Cấp ủy trực tiếp chuẩn bị nội dung chấm điểm (theo các biểu mẫu gửi kèm) và mức đánh giá các cấp độ “Xuất sắc” hoặc “Tốt” hoặc “Trung bình” hoặc “Kém” vào ô tương ứng theo Mẫu 01 quy định này; sau đó lấy ý kiến đóng góp của Chi ủy Chi bộ trước khi tổ chức cho đảng viên chấm điểm (nơi không có Cấp ủy thì đồng chí Bí thư thống nhất với đồng chí Phó Bí thư; nơi không có Phó Bí thư thì đồng chí Bí thư Chi bộ chịu trách nhiệm chuẩn bị). Nội dung dự kiến kết quả chấm điểm, đánh giá phải gửi hoặc thông báo cho đảng viên tham gia hội nghị trước 03 ngày tổ chức hội nghị kiểm điểm, đánh giá, xếp loại (cùng với báo cáo kiểm điểm của Chi bộ).
- Sau khi tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân; Chi bộ tổ chức cho toàn thể đảng viên chấm điểm; thống nhất việc cộng điểm và trừ điểm; tổng hợp, biểu quyết quyết định tổng số điểm để tự đánh giá, xếp loại Chi bộ.
- Chi bộ thảo luận, biểu quyết kết quả tự đánh giá, xếp loại chất lượng của Chi bộ, báo cáo Đảng ủy cơ sở.
* Đối với Đảng bộ cơ sở
- Ban Thường vụ Đảng ủy (hoặc Thường trực Đảng ủy) chuẩn bị nội dung tự chấm điểm, dự kiến điểm chấm; mức đánh giá các cấp độ “Xuất sắc” hoặc “Tốt” hoặc “Trung bình” hoặc “Kém” vào ô tương ứng theo Mẫu 01 quy định này, gửi cho các đồng chí Đảng ủy viên tham gia hội nghị trước 03 ngày tổ chức hội nghị kiểm điểm, đánh giá, xếp loại (cùng với báo cáo kiểm điểm của Đảng bộ); thống nhất việc cộng điểm và trừ điểm; tổng hợp, biểu quyết quyết định tổng số điểm để tự đánh giá, xếp loại.
- Đảng ủy thảo luận, biểu quyết kết quả tự đánh giá, xếp loại chất lượng của Đảng bộ, báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy.
* Đối với Chi bộ cơ sở
- Người đứng đầu Cấp ủy trực tiếp chuẩn bị nội dung chấm điểm (theo các biểu mẫu gửi kèm) và mức đánh giá các cấp độ “Xuất sắc” hoặc “Tốt” hoặc “Trung bình” hoặc “Kém” vào ô tương ứng theo Mẫu 01 quy định này; sau đó lấy ý kiến đóng góp của Chi ủy Chi bộ trước khi tổ chức cho đảng viên chấm điểm (nơi không có Cấp ủy thì đồng chí Bí thư thống nhất với đồng chí Phó Bí thư; nơi không có Phó Bí thư thì đồng chí Bí thư Chi bộ chịu trách nhiệm chuẩn bị). Nội dung dự kiến kết quả chấm điểm, đánh giá phải gửi hoặc thông báo cho đảng viên tham gia hội nghị trước 03 ngày tổ chức hội nghị kiểm điểm, đánh giá, xếp loại (cùng với báo cáo kiểm điểm của Chi bộ).
- Sau khi tổ chức kiểm điểm tập thể, cá nhân; Chi bộ tổ chức cho toàn thể đảng viên chấm điểm; thống nhất việc cộng điểm và trừ điểm; tổng hợp, biểu quyết quyết định tổng số điểm để tự đánh giá, xếp loại Chi bộ.
- Chi bộ thảo luận, biểu quyết kết quả tự đánh giá, xếp loại chất lượng của Chi bộ, báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy.
Bước 2: Các chủ thể tham gia đánh giá, xếp loại chất lượng
- Đối với đánh giá, xếp loại Chi bộ trực thuộc Đảng ủy: Sau khi tổng hợp, thẩm định kết quả tự đánh giá, Đảng ủy tổ chức hội nghị lấy ý kiến đánh giá, xếp loại của các chủ thể liên quan, gồm: Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hội các xã, thị trấn tham gia đánh giá các nội dung tiêu chí theo chức năng, nhiệm vụ công tác của mình (đối với đánh giá Chi bộ thôn, buôn, tổ dân phố); tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và các đoàn thể chính trị - xã hội trực thuộc Đảng ủy (đối với đánh giá Chi bộ khác).
- Đối với đánh giá, xếp loại tổ chức cơ sở đảng: Ban Tổ chức Huyện ủy tổng hợp, thẩm định kết quả tự đánh giá, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo tổ chức hội nghị lấy ý kiến đánh giá, xếp loại của các chủ thể liên quan: Các cơ quan tham mưu, giúp việc của Huyện ủy; Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; Ban Thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hội huyện tham gia đánh giá các nội dung tiêu chí theo chức năng, nhiệm vụ công tác của mình.
Bước 3: Quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng
- Đảng ủy cơ sở xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại chất lượng đối với các Chi bộ trực thuộc Đảng ủy.
- Ban Tổ chức Huyện ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng hợp, thẩm định kết quả tự đánh giá và ý kiến tham gia của các chủ thể, báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, quyết định đánh giá, xếp loại các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy.
2. Đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên
2.1. Đối tượng: Đảng viên trong toàn Đảng (trừ đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt, đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng). Đối với Cấp ủy viên bị đình chỉ sinh hoạt Cấp ủy vẫn phải đánh giá, xếp loại chất lượng.
2.2. Khung tiêu chí đánh giá, khung tiêu chuẩn các mức chất lượng (thực hiện Quy định số 19-QĐ/TU ngày 13/11/2019 của BTV Tỉnh ủy)
2.3. Trách nhiệm, thẩm quyền
- Đảng ủy cơ sở, Chi bộ cơ sở chủ trì tổ chức thực hiện và xem xét, quyết định mức xếp loại chất lượng đảng viên.
- Từng đảng viên tự đánh giá, xếp loại chất lượng.
2.4. Cách thức thực hiện
Bước 1: Tự đánh giá, xếp loại chất lượng
- Căn cứ các tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn mức chất lượng được quy định cụ thể cho từng đối tượng, đảng viên tự phân tích chất lượng, tự đánh giá, xếp loại (theo các biễu mẫu gửi kèm); gửi về Chi ủy, Chi bộ để chuẩn bị nội dung họp đánh giá xếp loại cuối năm.
- Chi ủy (Bí thư Chi bộ nơi không có Chi ủy) tổng hợp mức tự xếp loại của đảng viên; ý kiến nhận xét của Chi ủy, Đảng ủy cơ sở nơi đảng viên cư trú; xếp loại cán bộ, công chức, viên chức, đoàn thể để đề xuất mức xếp loại của từng đảng viên.
Bước 2: Quyết định xếp loại chất lượng đối với đảng viên
- Từng đảng viên báo cáo Bản tự kiểm điểm, tự đánh giá, xếp loại chất lượng tại Chi bộ nơi sinh hoạt.
- Chi ủy (Bí thư Chi bộ nơi không có Chi ủy) thông qua kết quả xếp loại của các chủ thể có liên quan, gợi ý thêm nội dung (nếu cần thiết) để đảng viên trong Chi bộ tham gia góp ý, thảo luận; đảng viên tiếp thu ý kiến, chủ trì hội nghị kết luận.
- Từng đảng viên trong Chi bộ xem xét, bỏ phiếu kín mức chất lượng đối với từng đảng viên sau khi chủ trì hội nghị kết luận.
- Chi ủy, Chi bộ tổng hợp kết quả, mức xếp loại chất lượng đối với từng đảng viên để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, cụ thể:
+ Đối với Chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở: Trên cơ sở tổng hợp kết quả, nội dung nhận xét đánh giá, mức xếp loại chất lượng từng đảng viên của các Chi bộ trực thuộc, Đảng ủy cơ sở xem xét, quyết định xếp loại chất lượng đảng viên của các Chi bộ trực thuộc; thông báo kết quả xếp loại đảng viên theo từng Chi bộ, đồng thời báo cáo kết quả đánh giá, xếp loại đảng viên của toàn Đảng bộ về Ban Thường vụ Huyện ủy.
+ Đối với Chi bộ cơ sở: Kết luận, quyết định kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và báo cáo kết quả về Ban Thường vụ Huyện ủy.
3. Đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể lãnh đạo, quản lý
3.1. Đối tượng
- Tập thể Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND huyện;
- Tập thể Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam, Ban Thường vụ các đoàn thể chính trị - xã hội huyện;
- Tập thể lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Huyện ủy;
- Tập thể lãnh đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị trực thuộc huyện (trừ các Trường Mầm non, Tiểu học, THCS);
- Tập thể Cấp ủy các tổ chức cơ sở đảng (Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ - nơi chưa có Cấp ủy).
Lưu ý: Chỉ đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể lãnh đạo, quản lý đối với các cơ quan, đơn vị, tổ chức có từ 02 lãnh đạo trực tiếp trở lên. Những cơ quan, đơn vị, tổ chức chỉ có 01 lãnh đạo, quản lý thực hiện theo Mục 4.
3.2. Khung tiêu chí đánh giá, Khung tiêu chuẩn các mức chất lượng (thực hiện theo Quy định số 19-QĐ/TU ngày 13/11/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy)
3.3. Trách nhiệm, thẩm quyền
- Đảng ủy, Chi ủy cơ sở, tập thể lãnh đạo tự đánh giá, xếp loại chất lượng.
- Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, quyết định xếp loại chất lượng các tập thể theo quy định tại Điểm 3.1, Mục 3, Phần B, Hướng dẫn này.
3.4. Cách thức thực hiện
Bước 1: Tự đánh giá, xếp loại chất lượng
Căn cứ các tiêu chí đánh giá, tiêu chuẩn mức chất lượng được quy định cụ thể cho từng loại hình đối tượng, tập thể lãnh đạo, quản lý tự phân tích chất lượng (xác định các cấp độ “Xuất sắc”, “Tốt”, “Trung bình”, “Kém” cho từng tiêu chí đánh giá cụ thể); xem xét, tự nhận mức chất lượng trong Mẫu 01 và báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy.
Bước 2: Các chủ thể tham gia đánh giá, xếp loại chất lượng
Ban Tổ chức Huyện ủy tổng hợp, thẩm định kết quả tự đánh giá, xếp loại, nếu thấy cần thiết tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy tổ chức hội nghị lấy ý kiến đánh giá, xếp loại chất lượng của các chủ thể liên quan (thực hiện như ý thứ 2, Bước 2, Điểm 1.4, Mục 1, Phần B, Hướng dẫn này).
Bước 3: Quyết định mức xếp loại chất lượng
Ban Tổ chức Huyện ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổng hợp, thẩm định kết quả tự đánh giá và kết quả tham gia đánh giá của các chủ thể, báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, quyết định xếp loại chất lượng đối với các tập thể lãnh đạo, quản lý.
4. Đánh giá, xếp loại cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp
- Thực hiện theo Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Bổ sung vào tiêu chí đánh giá, xếp loại về: tinh thần đổi mới sáng tạo, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ và có sản phẩm cụ thể lượng hóa được; trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
- Sau khi hoàn thành đánh giá, xếp loại tổ chức, tập thể, cá nhân ở địa phương, cơ quan, đơn vị thì đánh giá, xếp loại người đứng đầu. Đảng viên là thành viên tập thể cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp trên sinh hoạt tại Chi bộ thì đánh giá, xếp loại đảng viên ở Chi bộ trước (chỉ đánh giá những nhiệm vụ được Chi bộ phân công), xếp loại ở tập thể cán bộ lãnh đạo, quản lý sau. Mức xếp loại chất lượng của người đứng đầu không được cao hơn mức xếp loại của tập thể lãnh đạo, quản lý và tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình đứng đầu (trừ Bí thư Chi bộ ở các Chi bộ thôn, tổ dân phố không là cán bộ, công chức ở các xã, thị trấn).
- Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” không vượt quá 20% số được xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” theo chức danh tương đương ở từng cấp, từng ngành, từng lĩnh vực.
5. Khen thưởng tổ chức đảng, đảng viên
Thực hiện theo Quy định số 05-QĐi/TU ngày 19/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về khen thưởng tổ chức Đảng và đảng viên:
- Đối với tổ chức đảng: Các Cấp ủy lựa chọn những tổ chức đảng được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” để xét khen thưởng đạt tiêu chuẩn “Trong sạch, vững mạnh” tiêu biểu trong năm; 5 năm liền.
- Đối với đảng viên: Các Cấp ủy lựa chọn những đảng viên được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” để xét khen thưởng đạt tiêu chuẩn “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong năm; 5 năm liền.
6. Một số điểm lưu ý trong đánh giá, xếp loại chất lượng
- Riêng năm 2019, các tổ chức cơ sở đảng thực hiện việc kiểm điểm cuối năm cùng với việc kiểm điểm theo nhiệm kỳ để chuẩn bị cho công tác đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025, đề nghị Đảng ủy, Chi bộ xây dựng dự thảo báo cáo kiểm điểm riêng và tổ chức họp Đảng ủy, Chi bộ (có thể kết hợp với họp kiểm điểm cuối năm) để lấy ý kiến theo quy định.
- Hằng năm, các tổ chức, cơ quan, đơn vị giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể (hoặc xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ theo nghị quyết, chương trình, kế hoạch) đối với từng tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý để làm căn cứ kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng.
- Tập thể, cá nhân phải hoàn thành việc kiểm điểm mới được đánh giá, xếp loại chất lượng. Cá nhân vắng mặt hoặc chưa được đánh giá, xếp loại chất lượng thì phải tổ chức đánh giá, xếp loại chất lượng trong thời gian sớm nhất.
- Đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể cấp dưới trước, cấp trên sau; tập thể lãnh đạo, quản lý trước, cá nhân thành viên sau. Đảng viên là công chức, viên chức thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng sau khi có kết quả đánh giá, xếp loại công chức, viên chức. Những người đảm nhiệm nhiều chức vụ công tác, phải kiểm điểm ở nhiều nơi mà có sự khác nhau khi biểu quyết mức chất lượng ở mỗi nơi thì Ban Tổ chức Huyện ủy tổng hợp, báo cáo tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét quyết định mức chất lượng hoặc báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến.
- Cấp có thẩm quyền thông báo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng tới đối tượng đánh giá và tập thể, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng đối tượng đánh giá.
- Tập thể, cá nhân đã được xếp loại chất lượng, nhưng sau đó phát hiện có khuyết điểm hoặc không đảm bảo điều kiện của mức đã xếp loại thì hủy bỏ kết quả và xếp loại lại.
- Không đánh giá, xếp loại đối với tổ chức đảng mới thành lập chưa đủ 06 tháng, đảng viên mới kết nạp chưa đủ 06 tháng, nhưng vẫn phải kiểm điểm đảng viên tính từ ngày kết nạp vào Đảng. Đảng viên nghỉ ốm từ 03 tháng trở lên không xếp loại đạt mức “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên; đảng viên nghỉ thai sản thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng trong thời gian làm việc thực tế của năm đó.
- Đảng viên khi chuyển công tác thì Chi bộ nơi tiếp nhận có trách nhiệm đánh giá, xếp loại chất lượng. Đối với trường hợp có thời gian công tác ở Chi bộ, cơ quan, đơn vị cũ từ 06 tháng trở lên thì phải lấy ý kiến nhận xét của Chi bộ nơi chuyển đi.
- Đảng viên sinh hoạt tạm thời được đánh giá, xếp loại chất lượng ở Chi bộ nơi đảng viên sinh hoạt chính thức. Trước khi đánh giá, xếp loại chất lượng, đảng viên sinh hoạt tạm thời lấy nhận xét của của Chi bộ nơi sinh hoạt tạm thời nộp cho Chi bộ nơi sinh hoạt chính thức để làm căn cứ đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.
- Trường hợp cá nhân chuyển đến là người đứng đầu mà không liên quan đến mức xếp loại của tổ chức, cơ quan, đơn vị mới thì không áp dụng quy định “Mức xếp loại của người đứng đầu không được cao hơn mức xếp loại của tổ chức, cơ quan, đơn vị do mình đứng đầu”.
- Đối với đảng viên vi phạm kỷ luật ở tổ chức đảng nơi công tác trước đó nhưng bị xử lý kỷ luật và thi hành kỷ luật ở tổ chức đảng mới chuyển đến thì tính vào kết quả đánh giá, xếp loại của tổ chức đảng nơi xảy ra vi phạm.
- Những nơi có dưới 05 tổ chức đảng; 05 tập thể lãnh đạo, quản lý; 05 đảng viên; 05 cán bộ lãnh đạo, quản lý xếp loại “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” thì chọn 01 tổ chức đảng; 01 tập thể lãnh đạo, quản lý; 01 đảng viên; 01 cán bộ lãnh đạo, quản lý xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” nếu đủ điều kiện.
- Đối với tổ chức đảng mới chuyển giao, chia tách, sáp nhập, hợp nhất thì lấy kết quả thực hiện các nhiệm vụ thời gian trước khi chuyển giao, chia tách, sáp nhập, hợp nhất cùng với kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong năm sau khi chuyển giao, chia tách, sáp nhập, hợp nhất làm cơ sở để kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể và cá nhân theo quy định.
- Đối với Chi bộ sinh hoạt ghép thì lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ chính của từng cơ quan, đơn vị, địa phương (nơi có đảng viên đang làm việc, công tác) để kiểm điểm, chấm điểm và đánh giá, xếp loại chung cho Chi bộ.
- Trong quá trình chấm điểm, đánh giá, xếp loại, nếu có nhiều ý kiến khác nhau, tập thể Cấp ủy cơ sở (Bí thư, Phó Bí thư đối với những nơi không có Cấp ủy), Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét các ý kiến sau đó thống nhất quyết định.
- Các tập thể, cá nhân có quyền trình bày, bảo lưu ý kiến lên cấp trên trực tiếp những vấn đề, nội dung chưa đồng tình về kết quả đánh giá, xếp loại, nhưng phải chấp hành kết luận nhận xét, đánh giá, xếp loại của cấp có thẩm quyền.
- Khi có khiếu nại bằng văn bản về nội dung nhận xét, đánh giá và kết quả xếp loại thì cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại có trách nhiệm xem xét, kết luận và thông báo bằng văn bản đến tập thể, cá nhân khiếu nại.
- Ở những nơi có điều kiện nên tổ chức đánh giá theo tháng, quý, 06 tháng; có thể thí điểm các phương pháp đánh giá phù hợp, có hiệu quả và đảm bảo kết quả thực chất hơn.
- Đối với việc đánh giá tập thể lãnh đạo, quản lý các đơn vị thuộc cấp huyện, nếu thấy cần thiết có thể lấy ý kiến đánh giá của các cơ quan ngành dọc của tỉnh. Giao Ban Tổ chức Huyện ủy chuẩn bị, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy xem xét, quyết định.
- Đối với cột (3) ở các biểu chấm điểm tập thể và cá nhân cần nêu rõ kết quả thực hiện như: Các chỉ tiêu, sản phẩm được lượng hóa bằng con số hoặc tính tỷ lệ % theo nghị quyết, kế hoạch ….
- Đối với Chi bộ Quân sự, Công an trực thuộc Đảng ủy xã, thị trấn: Đảng ủy các xã, thị trấn căn cứ biểu điểm đánh giá chất lượng, xếp loại Đảng bộ Quân sự, Công an huyện để cụ thể hóa cho phù hợp.
- Nội dung: Kết quả đấu tranh phòng, chống những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cá nhân được thực hiện bắt buộc đối với đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức, chiến sỹ các đơn vị lực lượng vũ trang và lãnh đạo quản lý các cấp.
- Trong quá trình chấm điểm, việc trừ điểm phải được thể hiện rõ ở nội dung, tiêu chí nào? nêu rõ lý do; cá nhân, tập thể nào chịu trách nhiệm (thể hiện ở phần ghi chú hoặc trong biên bản hội nghị kiểm điểm, đánh giá, xếp loại). Căn cứ các chỉ tiêu cơ bản theo Nghị quyết của Cấp ủy, nếu thực hiện không đạt 5%/01 chỉ tiêu thì trừ 0,5 điểm, trừ không quá 02 điểm/01 chỉ tiêu. Việc cộng điểm hoàn thành xuất sắc trong các tiêu chí được thực hiện tối đa không quá 2 điểm/01 nội dung, thành tích; nêu rõ thành tích nổi bật, điển hình được cộng điểm.
- Kết quả kiểm điểm là cơ sở để thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm của tập thể, cá nhân.
- Nội dung nhận xét, đánh giá, xếp loại được thông báo tới đối tượng đánh giá và tập thể, cá nhân trực tiếp quản lý, sử dụng đối tượng đánh giá, xếp loại. Kết quả xếp loại chất lượng hằng năm được công khai theo quy định.
- Kết quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại tập thể và cá nhân là căn cứ đề ra những nhiệm vụ, giải pháp phát huy những ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm để củng cố, xây dựng, phát triển địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân. Là cơ sở để thực hiện các nội dung về công tác tổ chức, cán bộ, đánh giá người đứng đầu và so sánh, đánh giá các tập thể, cá nhân có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng.
7. Thành phần hồ sơ, gồm
a) Hồ sơ đối với tập thể
- Báo cáo kiểm điểm tập thể, kết quả chấm điểm;
- Biên bản hội nghị kiểm điểm;
- Tổng hợp kết quả thẩm định của cơ quan, đơn vị, tổ chức;
- Quyết định, kết luận đánh giá, kết quả xếp loại của cấp có thẩm quyền;
- Văn bản gợi ý kiểm điểm (nếu có);
- Văn bản tham gia góp ý đánh giá, xếp loại của các tổ chức, tập thể, cá nhân có liên quan (nếu có);
- Hồ sơ giải quyết khiếu nại về kết quả đánh giá, xếp loại (nếu có);
- Các văn bản khác (nếu có).
b) Hồ sơ đối với cá nhân
- Bản kiểm điểm cá nhân, biểu điểm, kết quả chấm điểm của các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý (đã được Chi bộ, Cấp ủy, cơ quan, đơn vị xác nhận);
- Phiếu bổ sung hồ sơ đảng viên;
- Phiếu nhận xét của Cấp ủy nơi cư trú;
- Bản kê khai tài sản (đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý và các đối tượng khác theo quy định);
- Văn bản gợi ý kiểm điểm và các văn bản khác có liên quan (nếu có).
c) Hồ sơ khen thưởng đối với tổ chức đảng và đảng viên: Thực hiện theo Điều 9, Quy định số 05-QĐi/TU ngày 19/12/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ủy ban nhân dân huyện; các cơ quan, phòng, ban, đơn vị thuộc huyện; các tổ chức cơ sở đảng; Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn triển khai thực hiện hướng dẫn này và các văn bản có liên quan, đồng thời thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
- Chỉ đạo chính quyền (cơ quan, đơn vị), Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức hằng năm theo quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả, thực chất.
- Hằng năm, chủ động xây dựng kế hoạch kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng tập thể, cá nhân ở cấp mình, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện ở cấp dưới bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu và tiến độ đề ra. Chú trọng việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm; kịp thời đề ra giải pháp khắc phục hạn chế, khuyết điểm; tập trung củng cố các tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo quản lý và đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ.
2. Các cơ quan, phòng, ban, đơn vị; các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc Huyện ủy gửi hồ sơ kiểm điểm của tập thể, cá nhân thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý và báo cáo kết quả kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng về Ban Thường vụ Huyện ủy (qua Ban Tổ chức Huyện ủy) trước 15/12 hằng năm.
3. Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Huyện ủy viên dự, chỉ đạo kiểm điểm đối với tổ chức cơ sở đảng được phân công theo dõi.
4. Văn phòng Huyện ủy phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức các hội nghị theo Hướng dẫn này.
5. Giao Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Huyện ủy, các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy nội dung gợi ý kiểm điểm tổ chức cơ sở đảng, tập thể lãnh đạo, cá nhân.
6. Giao Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Hướng dẫn này; xây dựng báo cáo kết quả kiểm điểm, đánh giá chất lượng định kỳ hằng năm.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các Cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phản ánh kịp thời về Ban Thường vụ Huyện ủy (qua Ban Tổ chức Huyện ủy).
(Hướng dẫn chi tiết và các biểu mẫu tải file đính kèm)
Tải trình duyệt firefox để sử dụng: https://www.mozilla.org/vi/firefox/new/