Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước", việc lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trên địa bàn huyện Cát Tiên đã đạt được rất nhiều kết quả quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân.
Huyện Cát Tiên có tổng diện tích tự nhiên là 42.670,65 ha, dân số 45.113 người, với 21 dân tộc thiểu số, chiếm 24,8% trên tổng dân số; dân tộc Mạ, X’Tiêng chiếm 7% trên tổng dân số và 30% trên tổng số đồng bào dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện hiện nay đang sinh sống trên 12 thôn, buôn thuộc các xã Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2, Gia Viễn, Tiên Hoàng, thị trấn Cát Tiên và thị trấn Phước Cát. Họ sống xen kẽ với nhau phân bố ở hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Đồng bào dân tộc thiểu số Mạ, X’Tiêng sinh sống tập trung theo buôn tại các xã: Đồng Nai Thượng, Tiên Hoàng, Gia Viễn, Phước Cát 2, thị trấn Cát Tiên và thị trấn Phước Cát. Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, song đều có chung truyền thống đoàn kết, cần cù lao động, có tinh thần vượt khó vươn lên, có ý thức chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chung sức xây dựng địa phương.
Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Cát Tiên lần thứ IV, năm 2024 (ảnh: Sưu tầm)
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, việc lưu trữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống trên địa bàn huyện đã góp phần đẩy lùi các hủ tục, lạc hậu; nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” trên địa bàn huyện đã được thực hiện tốt. Quan tâm khôi phục các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc như: Lễ hội Văn hóa Cồng Chiêng của đồng bào Mạ, X’Tiêng; Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng tại thị trấn Phước Cát và xã Phước Cát 2; Lễ hội “Tách năng nhô” của dân tộc Mạ tại xã Đồng Nai Thượng, khôi phục các làn điệu dân gian, trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống.
Lễ hội Lồng Tồng thị trấn Phước Cát năm 2024 (ảnh: Sưu tầm).
Thường xuyên tuyên truyền, bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc thiểu số (tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội, ẩm thực của các dân tộc thiểu số...), gắn với phát triển du lịch. Tổ chức các lớp dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ tại Buôn Go - thị trấn Cát Tiên và xã Đồng Nai Thượng. Tổ chức thành công “Tuần lễ Văn hóa Mạ” huyện Cát Tiên với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn thu hút đông đảo người dân tham gia. Phục hồi, xây dựng mới 01 nhà dài truyền thống tại xã Đồng Nai Thượng; thường xuyên duy trì hoạt động của 11 đội nghệ nhân cồng chiêng đồng bào dân tộc thiểu số; phối hợp mở 06 lớp dạy cồng chiêng, 01 lớp truyền dạy đàn tính, hát then trên địa bàn huyện. Đến nay trên địa bàn huyện có 02 nghệ nhân ưu tú về lĩnh vực văn hóa phi vật thể (nghệ nhân Điểu K’ Lộc và Điểu K’ Bôi – xã Đồng Nai Thượng), 08 đội cồng chiêng và 02 đội hát then.
Nghệ nhân ưu tú Điểu K’ Lộc - xã Đồng Nai Thượng (Ảnh: Sưu tầm).
Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc được quan tâm, đến nay trên địa bàn huyện đã có 3 di tích được xếp hạng công nhận, trong đó có 01 Di tích cấp quốc gia đặc biệt (Khu di tích khảo cổ Cát Tiên), 01 Di tích cấp quốc gia (Khu ủy khu VI), 01 Di tích cấp tỉnh (Hang Thoát y). Chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị nghề truyền thống và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận gồm: làng nghề dệt thổ cẩm Buôn Go; Nghề dệt thổ cẩm ở tổ dân phố 15, thị trấn Cát Tiên; Làng nghề tiểu thủ công nghiệp và dạy nghề đan lát tổ dân phố 6, thị trấn Cát Tiên.
Các thiết chế văn hóa, thể thao được xây dựng để duy trì và phát triển như: Đầu tư kinh phí sửa chữa, tôn tạo Khu Di tích lịch sử Khu ủy Khu VI với tổng mức đầu tư 92 tỷ đồng; Khu Di chỉ khảo cổ học Cát Tiên với tổng mức đầu tư là 86 tỷ đồng. Đầu tư, đưa vào sử dụng Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện, tổng mức đầu tư là hơn 80 tỷ đồng. Quan tâm đầu tư, hỗ trợ trang thiết bị hoạt động cho thiết chế văn hóa, thể thao; mở các lớp truyền dạy và sử dụng cồng chiêng, hát then; hỗ trợ trang phục và nhạc cụ cho các đội văn nghệ truyền thống; xây dựng tủ sách cộng đồng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí 992 triệu đồng.
Tuy vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc thiểu số còn những hạn chế, khó khăn như Một số cấp ủy chính quyền, ban, ngành đoàn thể ở cơ sở, cán bộ, đảng viên và đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự chú trọng, quan tâm triển khai thực hiện công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc thiểu số. Các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số chưa thường xuyên, mới chỉ phát triển về bề rộng nhưng chưa sâu, chưa bảo tồn được một cách tổng thể không gian văn hóa của đồng bào. Hoạt động kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu văn học dân gian chưa thực hiện thường xuyên; một số lễ hội, nghi lễ, các loại hình văn học dân gian, các nghề thủ công… của các dân tộc bị mai một, nhỏ lẻ, không thể khôi phục. Việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh về con người và bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử văn hóa, tâm linh, sinh thái (Di tích khảo cổ, Khu ủy khu VI, Hang thoát y, Vườn quốc gia Cát Tiên,...) trên các phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế.
Nguyên nhân những hạn chế trên là do: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc thiểu số của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở cơ sở chưa thường xuyên. Huyện có 21 dân tộc thiểu số nhưng một số dân tộc số lượng ít, sinh sống không tập trung nên việc thực hiện bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của các dân tộc đó gặp nhiều khó khăn; dân tộc thiểu số tại chỗ (Mạ, X’Tiêng) trên địa bàn huyện không có chữ viết nên việc lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống có mặt còn hạn chế. Môi trường tự nhiên, môi trường sinh sống của đồng bào dân tộc có nhiều thay đổi cũng là tác nhân ảnh hưởng đến việc thực hiện bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của đồng bào dân tộc.
Để tiếp tục lưu trữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn huyện Cát Tiên. Trong thời gian tới, các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc Huyện ủy, các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), Chương trình hành động số 89-CTr/TU ngày 22/10/2014 và Kế hoạch số 159-KH/HU ngày 12/12/2014 của Huyện ủy về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; gắn với thực hiện tốt Kế hoạch số 35-KH/TU ngày 08/3/2022 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 61-KH/HU ngày 31/3/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về triển khai thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc và Kế hoạch 158/KH-UBND ngày 21/9/2021 của UBND huyện về triển khai Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025.
Hai là, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cho đồng bào các dân tộc bảo tồn, biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của dân tộc mình, phát huy các giá trị văn hóa tích cực truyền thống trong xây dựng cuộc sống mới; quảng bá sâu rộng các sản phẩm văn hóa thông qua các hội thi, liên hoan, giao lưu văn hóa, văn nghệ gắn với hoạt động du lịch nhằm phát huy tối đa giá trị của các di sản văn hóa của các dân tộc.
Ba là, tiếp tục khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị tinh thần, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; khuyến khích các địa phương mở các lớp dạy nghề truyền thống, nghệ thuật truyền thống gắn với hoạt động phục dựng các lễ hội. Chú trọng công tác nghiên cứu, sưu tầm các lễ hội truyền thống gắn việc phục hồi, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc để giữ gìn và phát huy những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn góp phần phát triển các loại hình văn hóa - du lịch trên địa bàn huyện. Tăng cường kết nối các tua du lịch để quảng bá con người, bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn huyện đến với mọi người trong cả nước và quốc tế.
Bốn là, tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đối với đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa; phát huy tốt vai trò của trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, già làng, trưởng bản, những người có uy tín trong cộng đồng dân cư trong công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; quan tâm có chính sách công nhận và đãi ngộ cho các nghệ nhân dân gian, nhất là đối với các nghệ nhân dân tộc thiểu số.
Năm là, tiếp tục ưu tiên đầu tư đúng mức cho lĩnh vực văn hóa tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Ưu tiên đầu tư nguồn lực cho việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, phục dựng một số lễ hội văn hóa truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế với phát huy bản sắc văn hóa của địa phương, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Sáu là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền các cấp trong lĩnh vực văn hóa. Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết để biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đồng thời nhân rộng những mô hình tiêu biểu, những cách làm hay, hiệu quả trong lĩnh vực văn hóa, cũng như thực hiện tốt việc lưu trữ, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống trên địa bàn huyện.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy