Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương, vì vậy, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giảm nghèo, động viên Nhân dân tích cực lao động, sản xuất, xây dựng kinh tế ổn định, bền vững, qua đó triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/ĐU ngày 20/3/2022 của Ban chấp hành Đảng bộ xã về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo giai đoạn 2022 – 2025, định hướng đến năm 2030, UBND xã Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện mô hình Dân vận khéo “Phát huy vai trò dân vận khéo trong tuyên truyền, vận động, đăng ký giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững" năm 2022.
Trồng bưởi da xanh cho thu nhập cao ở xã Quảng Ngãi
Tại thời điểm đầu năm 2022, xã Quảng Ngãi có 31 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,79%, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có 4 hộ; số hộ cận nghèo trong toàn xã là 34 hộ, chiếm tỷ lệ 4,16%. Để triển khai thực hiện hiệu quả mô hình, UBND xã Quảng Ngãi đã ban hành kế hoạch về công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động năm 2022 trên địa bàn xã, trong đó có các giải pháp để hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo một cách bền vững gắn với thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.
UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức đối thoại với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo nhằm giải đáp và tháo gỡ những khó khăn, giúp các hộ có định hướng trong phát triển sản xuất và khuyến khích, động viên các hộ nỗ lực vươn lên thoát nghèo, thoát cận nghèo, từ đó đã có nhiều hộ chủ động đăng ký thoát nghèo và thoát cận nghèo. Bên cạnh đó, UBND xã đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xã và Ban nhân dân ở 4 thôn trên địa bàn tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền tại địa bàn dân cư, bám sát cơ sở, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng của các hộ nghèo, hộ cận nghèo và Nhân dân trên địa bàn, từ đó giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; đồng thời hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, cách thức vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác giảm nghèo, tuyên truyền nhân rộng các mô hình giảm nghèo từ việc hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như: chăn nuôi bò sữa, tham gia tổ hợp tác cây ăn trái, lúa chất lượng cao, tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm,... Các hội đoàn thể của xã đều có kế hoạch giúp đỡ hội viên, đoàn viên nghèo, cận nghèo vượt khó vươn lên như: Đoàn thanh niên tập trung hỗ trợ các đoàn viên nghèo, cận nghèo về tư vấn việc làm, định hướng nghề nghiệp thông qua các chương trình hỗ trợ việc làm do các cấp tổ chức trong năm, hỗ trợ các nguồn vốn vay phát triển sản xuất, học tập các mô hình kinh tế hiệu quả; Hội nông dân giúp đỡ các hội viên nghèo, cận nghèo học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học kỹ thuật từ các mô hình chăn nuôi sản xuất, các vườn mẫu của các hộ có kinh tế khá và giàu trong các tổ hợp tác trên địa bàn; Hội phụ nữ thực hiện mô hình nuôi heo đất tạo nguồn vốn giúp đỡ hội viên tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế,… Là một trong những nông hộ trồng lúa ở xã Quảng Ngãi tích cực chuyển đổi, áp dụng quy trình sản xuất lúa hữu cơ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và nâng cao chất lượng lúa, gạo thu hoạch, đáp ứng nhu cầu thị trường và tham gia vào chuỗi sản xuất của hợp tác xã tại địa phương, ông Lê Văn Thị ở thôn 3, xã Quảng Ngãi chia sẻ: “Qua sự tuyên truyền của chính quyền địa phương và các đoàn thể, các nông hộ trồng lúa chúng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức canh tác thông thường trước đây là hay dùng các loại thuốc hóa học sang canh tác theo quy trình sản xuất hữu cơ, dùng các loại chế phẩm sinh học an toàn và thân thiện với môi trường, qua đó nâng cao chất lượng lúa gạo và thu nhập.”
Trong năm 2022, từ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, xã Quảng Ngãi đã thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và mới thoát cận nghèo với tổng nguồn kinh phí gần 10,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn tín chấp từ ngân hàng chính sách xã hội trên 9,1 tỷ đồng, nguồn vốn lồng ghép các chương trình hỗ trợ sản xuất gần 1,2 tỷ đồng. Đồng thời, địa phương đã tiến hành vận động, kêu gọi các tổ chức cá, nhân ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được gần 76 triệu đồng để hỗ trợ, giúp đỡ cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã. Đề cập về công tác vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Ngãi cho biết: “Trong những năm vừa qua, địa phương đã tập trung vận động Nhân dân trong xã thực hiện chuyển đổi các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp như cây mía, cây mì sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như các loại cây ăn quả là: sầu riêng, bưởi da xanh, măng cụt, dừa,…, đồng thời tăng cường truyền thông, nhân rộng các mô hình sản xuất mang tính bền vững như: canh tác theo chuẩn vườn mẫu, sản xuất lúa hữu cơ, sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGAP, gắn với đó là khuyến khích nông dân phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập dựa trên lợi thế tại địa phương, trong đó có phát triển mô hình chăn nuôi mới như nuôi bò sữa. Qua đó bà con nông dân trong xã đã thực hiện đạt hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.”
Quảng Ngãi khuyến khích nông dân canh tác theo tiêu chuẩn vườn mẫu
Nhờ triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp nên đến cuối năm 2022, xã Quảng Ngãi chỉ còn 12 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,44%, giảm 19 hộ nghèo so với đầu năm; hộ cận nghèo còn 17 hộ, chiếm tỷ lệ 2,05%, giảm 17 hộ so với đầu năm. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Quảng Ngãi đạt 57,5 triệu đồng/người/năm. Từ hiệu quả đạt được nên mô hình “Phát huy vai trò dân vận khéo trong tuyên truyền, vận động, đăng ký giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững" của UBND xã Quảng Ngãi đã được Ban Thường vụ Huyện ủy Cát Tiên công nhận là mô hình “Dân vận khéo” năm 2022.
Lãnh đạo xã Quảng Ngãi trao hỗ trợ sinh kế cho hộ cận nghèo
Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2023 này, UBND xã Quảng Ngãi tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả thực hiện mô hình, cùng với các chính sách hỗ trợ chung về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ về vốn vay, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng vật nuôi, hỗ trợ sửa chữa nhà ở,…, UBND xã Quảng Ngãi còn thông qua công tác vận động, kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ tiến hành hỗ trợ sinh kế cho một số hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã để giúp các hộ mua cây, con giống phát triển trồng trọt, chăn nuôi hoặc kinh doanh buôn bán để phấn đấu thoát nghèo, thoát cận nghèo vào cuối năm 2023.
Khúc Giang