TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG NĂM 2024
Người phụ nữ khởi nghiệp từ bài thuốc quý của dân tộc Mạ In trang
16/07/2024 08:50 SA

Vượt qua quãng đường 24 km từ trung tâm xã Phước Cát 2, đi qua vườn Quốc gia Cát Tiên đến với thôn 4, xã Phước Cát 2, buôn làng của người Mạ nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Cát Tiên. Không còn là thôn với muôn vàn khó khăn như trước kia, giờ đây, thôn 4 đã có nhiều khởi sắc với con đường bê tông sạch đẹp đi lại thuận lợi, phân trạm y tế, trường học khang trang, điện lưới, sóng điện thoại đã đến buôn làng; cuộc sống của bà con ấm no, đủ đầy hơn, nhiều tấm gương nỗ lực làm kinh tế để vươn lên thoát nghèo…

Chúng tôi ghé thăm gia đình chị Ka Drờng, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn 4, là một trong những gia đình tiêu biểu của thôn 4 trong nỗ lực vươn lên trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, được chị mời cốc nước chè dây do chính tay chị chế biến. Mùi thơm của loại chè dây, vị đắng nhẹ xen lẫn ngọt thanh đọng lại nơi đầu lưỡi, rất hấp dẫn người uống, như cuộc sống nơi này trải qua khó khăn vất vả, đọng lại là vị ngọt của sự cố gắng và nỗ lực.

Hình: Chị Ka Drờng bên vườn chè dây
Hình: Chị Ka Drờng bên vườn chè dây

Theo chị Ka Drờng, cây chè dây mọc nhiều trong rừng, bà con thường lấy về nấu nước uống. Sau này qua tìm hiểu, biết được công dụng của cây chè dây, chị lấy về làm trà bán được giá cao. Nhận thấy đi vào rừng lấy chè nhiều khó khăn, vất vả, nhất là vào mùa mưa, chị Drờng đã thử đem cây về trồng trong rẫy nhà mình; ban đầu là một vài bụi, sau đó nhân rộng ra. Năm 2020, từ phương tiện sinh kế được Hội LHPN huyện Cát Tiên trao tặng, chị Drờng bắt đầu khởi nghiệp trồng và chế biến chè dây.

Theo Đông y, chè dây có vị ngọt, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, trừ phong thấp, mạnh gân cốt. Rễ cây lợi thủy tiêu thũng, giảm đau. Cành lá chè dây còn có tác dụng an thần, làm liền sẹo, diệt xoắn khuẩn Helicobacter pylori, hỗ trợ chữa viêm dạ dày. Hiện nay nhiều người biết đến chè dây như là vị thuốc chữa viêm loét dạ dày, hành tá tràng có hiệu quả, không gây tác dụng phụ, không gây ngộ độc cấp tính.

Để có được sản phẩm chè dây thơm ngon, chị chỉ cắt những ngọn non, khi hái về phải được sơ chế ngay để đảm bảo độ tươi. Sau khi rửa sạch, đem cắt thành từng khúc nhỏ cho vào sao trên bếp củi nhỏ lửa, vừa sao vừa vò chè. Khi chè đã đạt độ chín nhất định, thì đem ủ 1 đêm và mang ra phơi khô trên giàn lưới dưới nắng nhẹ là có thể thành sản phẩm, đem hãm với nước sôi như pha trà uống.

Chị Drờng cho biết, khâu quan trọng nhất quyết định sự thành công và độ ngon của chè dây là khâu sao và vò chè; phải sao trên lửa nhỏ, đều, dùng tay vò chè để chè ra nhựa, khi khô nhựa sẽ tạo ra lớp phấn trắng (còn gọi là soăn tuyết) trên những cọng chè, chè càng nhiều phấn thì nước chè hãm ra càng ngon, tạo nên đặc trưng của chè dây. Khi uống chè dây ban đầu có vị hơi đắng, sau đó là vị ngọt thanh đọng lại, rất dễ uống.

Trung bình 4 kg chè tươi, chị Drờng chế biến được 1 kg chè thành phẩm, giá bán 300.000 đồng/kg. Hiện tại, gia đình chị trồng xem cây chè dây cùng với các loại cây trồng khác trong rẫy; dùng phân hữu cơ (ủ từ vỏ cà phê, phân bò, trấu, bã đậu nành…) để bón cho cây, trồng thêm các cây phân xanh như cỏ lạc, đậu chiều, hoa anh đào để cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho đất. Nếu chăm bón tốt, cứ nửa tháng có thể thu hái chè tươi 1 lần. Sản phẩm chè dây soăn tuyết của chị đã được UBND huyện Cát Tiên công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2023. Tháng 6/2024 vừa qua, được sự giới thiệu và hỗ trợ của các cấp Hội phụ nữ huyện, xã, chị Drờng đã mạnh dạn đăng ký tham gia Hội thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2024 do Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng tổ chức và đạt giải Khuyến khích. Đây cũng là dịp để chị học hỏi thêm kinh nghiệm trong quá trình khởi nghiệp và giới thiệu sản phẩm của mình đến với khách hàng.

Hình: Chị Ka Drờng tham gia Hội thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2024 do Hội LHPN tỉnh tổ chức
Hình: Chị Ka Drờng tham gia Hội thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2024 do Hội LHPN tỉnh tổ chức

           Chị Drờng chia sẻ: “Từ ngày có sóng điện thoại, sản phẩm chè dây của mình được nhiều người biết hơn, đặt hàng thường xuyên hơn. Cây chè dây rất dễ chăm sóc, tốt cho sức khỏe lại đem lại thu nhập ổn định cho gia đình mình bên cạnh những cây trồng chính như cây điều ghép, cà phê. Thời gian tới, gia đình mình sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, giới thiệu sản phẩm đến nhiều khách hàng hơn và vận động chị em phụ nữ cùng tham gia trồng chè dây để tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Ngoài chè dây, gia đình chị Drờng trồng 4 ha điều ghép, cà phê cho thu hoạch khá, kinh tế gia đình không còn đói nghèo; gia đình chị có 01 cháu đang học trường Dân tộc nội trú, 01 cháu học Đại học và 01 cháu đang tham gia nghĩa vụ quân sự.

Bà Thạch Thị Xanh, Chủ tịch Hội LHPN xã Phước Cát 2 cho biết: Chị Ka Drờng là một cán bộ hội rất tích cực trong phong trào phụ nữ và là gương điển hình trong tìm tòi, khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo hiệu quả của thôn. Với cách làm sáng tạo, ý tưởng trồng chè dây của chị đã bước đầu đem lại kết quả tích cực, vừa tận dụng nguồn dược liệu sẵn có của địa phương, vừa gìn giữ bài thuốc truyền thống, lại vừa tạo thu nhập ổn định cho gia đình.

Nhật Quỳnh

 

Lượt xem: 154

 

Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001864305
  •  Đang online: 92
  •  Trong tuần: 16.581
  •  Trong tháng: 27.323
  •  Trong năm: 825.008