TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG NĂM 2024
Quy định lễ tang In trang
28/11/2019 04:00 CH

Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Quy định về tổ chức Lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức và đảng viên được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên khi từ trần, như sau:

Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng

Quy định này quy định việc tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu và đảng viên được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên khi từ trần (sau đây gọi chung là người từ trần).

Điều 2. Nguyên tắc tổ chức lễ tang

1. Việc tổ chức lễ tang đối với người từ trần, thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước, của Huyện ủy - Hội đồng nhân dân - Uỷ ban nhân dân - Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và nhân dân, cơ quan, đơn vị đối với công lao, cống hiến của người từ trần trong quá trình làm việc, hoạt động cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2. Việc tổ chức Lễ tang đối với người từ trần phải trang trọng, văn minh, kế thừa nét đẹp truyền thống văn hoá của dân tộc; đúng với chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về nếp sống văn hoá, lành mạnh, tiết kiệm.

3. Trường hợp cán bộ đảm nhận nhiều chức danh thì chọn chức danh cao nhất để thực hiện chế độ tang lễ.

4. Linh cữu người từ trần để không quá 48 giờ (bốn mươi tám giờ), kể từ khi khâm liệm đến khi tổ chức Lễ an táng. Nếu gia đình để Linh cữu người từ trần quá thời gian quy định này sẽ không thành lập Ban Tổ chức Lễ tang.

Điều 3. Hình thức Lễ tang

1. Lễ tang cấp tỉnh (Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Tổ chức lễ tang).

2. Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

Chương II

ĐỐI TƯỢNG

Điều 4. Đối tượng, gồm các chức danh đương chức và nguyên chức đang cư trú trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng

1. Đối tượng 1: Các chức danh sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ tang cấp tỉnh.

- Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy.

- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

- Phó chủ tịch: Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh.

- Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Khu uỷ viên khu VI (trước đây).

- Người được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất. 

- Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đương chức.

2. Đối tượng 2

- Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nguyên chức (kể cả dự khuyết).

- Trưởng các ban Đảng Tỉnh ủy, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy và tương đương, trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, hiệu trưởng Trường Chính trị, tổng biên tập Báo Lâm Đồng.

- Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, trưởng các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh.

- Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh; trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; trưởng các cơ quan đơn vị thuộc ngành dọc Trung ương; giám đốc doanh nghiệp trực thuộc Trung ương (xếp hạng I trở lên); Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên các công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (xếp hạng I trở lên); Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên các công ty TNHH của tỉnh; giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

- Bí thư huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy (không là Tỉnh ủy viên); Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I.

- Cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945 (Lão thành cách mạng); cán bộ cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 (Tiền khởi nghĩa); người được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhì, hạng ba; người được tặng Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng trở lên.

- Người được phong danh hiệu vinh dự nhà nước: Bà mẹ Việt nam Anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, Anh hùng Lao động, Nhà giáo nhân dân, Nghệ sỹ nhân dân, Thầy thuốc nhân dân.

3. Đối tượng 3

- Phó trưởng các ban Đảng Tỉnh ủy và tương đương, Phó trưởng các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh, Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị, Phó Tổng biên tập Báo Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy.

- Cấp phó các ban của Hội đồng nhân dân tỉnh; phó các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; phó các cơ quan, đơn vị thuộc ngành dọc Trung ương; phó giám đốc doanh nghiệp trực thuộc Trung ương (xếp hạng I trở lên); Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng thành viên các công ty TNHH của tỉnh. Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

- Phó bí thư, ủy viên ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

- Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I.

- Những người được phong danh hiệu: Nhà giáo ưu tú, Nghệ sỹ ưu tú, Thầy thuốc ưu tú.

- Đảng viên được tặng Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng trở lên.

4. Đối tượng 4

- Đảng viên được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên.

- Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; trưởng, phó phòng ban cấp huyện.

- Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu từ trần (ngoài diện quy định nêu trên của Điều này).

Điều 5: Đối tượng không cư trú tại tỉnh Lâm Đồng

Người từ trần trước đây công tác tại tỉnh Lâm Đồng đã từng giữ các chức vụ tại Điều 4 Quy định này, nay thường trú tại địa phương khác. Tùy theo chức danh, đối tượng cán bộ khi từ trần, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cơ quan nơi người từ trần công tác trước khi nghỉ hưu cử đoàn cán bộ hoặc gửi điện hoa đến viếng. Mức phúng điếu theo Điều 12, Điều 20 của Quy định này.

Chương III

LỄ TANG CẤP TỈNH

Điều 6. Chức danh được tổ chức Lễ tang cấp tỉnh

1. Các chức danh thuộc đối tượng 1, Điều 4 Quy định này khi từ trần do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức Lễ tang. 

2. Đối với trường hợp người từ trần giữ một trong các chức danh quy định tại khoản 1 Điều 4 mà bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức, Lễ tang tổ chức theo hình thức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 7. Thông báo tin buồn

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đứng tên đưa tin buồn đối với chức danh là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tin buồn đăng trên Báo Nhân dân, Báo Lâm Đồng, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng.

2. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, cơ quan đã hoặc đang trực tiếp quản lý người từ trần; cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cư trú của người từ trần đứng tên đưa tin buồn đối với các chức danh còn lại. 

  Tin buồn đăng trên Báo Lâm Đồng và Đài Phát thanh -Truyền hình Lâm Đồng; đưa tin về tiểu sử và ảnh người từ trần, thông báo về lễ tang, lễ truy điệu, lễ an táng và lời cảm ơn của Ban Tổ chức lễ tang.

Điều 8. Thành lập Ban Tổ chức Lễ tang cấp tỉnh

1. Ban Tổ chức Lễ tang do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định có từ 9 -12 thành viên gồm: đại diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; đại diện cơ quan của đồng chí từ trần đã hoặc đang công tác và đại diện địa phương nơi cư trú, đại diện gia đình của người từ trần.

2. Trưởng ban Tổ chức Lễ tang là một đồng chí Thường trực Tỉnh uỷ đối với các chức danh Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Trưởng ban Tổ chức Lễ tang là một đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đối với các chức danh còn lại. Riêng Trưởng ban Tổ chức Lễ tang chức danh Tỉnh ủy viên đương chức là một đồng chí Tỉnh ủy viên.

Điều 9. Chuẩn bị lời điếu và lời cảm ơn

  Ban Tổ chức Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, cơ quan chủ quản và gia đình người từ trần soạn thảo; thông cáo về lễ tang, tiểu sử đồng chí từ trần, thông báo về lễ viếng, lễ truy điệu, lễ an táng, lời điếu và lời cảm ơn đã được Ban Lễ tang cấp tỉnh thông qua.

Điều 10. Trang trí lễ đài và túc trực bên linh cữu

1. Lễ đài trang trí phông nền đen, trên đó gắn ảnh người từ trần và dòng chữ trắng “vô cùng thương tiếc đồng chí…”.

2. Bàn thờ đặt trước và chính giữa phông, phía dưới lễ đài có lư hương và gối huân chương; hai bên bàn thờ đặt các vòng hoa cố định.

3. Linh cữu đặt trên bệ ở chính giữa lễ đài, đầu hướng về phía bàn thờ, phía trước linh cữu có bàn thờ nhỏ, có bát hương để Trưởng đoàn các đoàn viếng thắp hương.

  4. Đại diện Ban Tổ chức lễ tang đứng túc trực bên phải phông lễ tang khi có các đoàn Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vào viếng.

Điều 11. Nơi tổ chức lễ tang và nơi an táng

1. Căn cứ điều kiện của từng cơ quan, tổ chức, địa phương và nguyện vọng của gia đình người từ trần mà tổ chức Lễ tang tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình.

2. An táng tại nghĩa trang địa phương, nghĩa trang khác, hoặc hỏa táng theo nguyện vọng của gia đình người từ trần.

Điều 12. Nghi thức viếng và phúng điếu

1. Ban Tổ chức Lễ tang sắp xếp các đoàn vào viếng theo đội hình như sau: 02 cán bộ trong Ban Tổ chức Lễ tang đưa vòng hoa đi đầu, tiếp theo là Trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn viếng đi theo hai hàng dọc.

2. Đoàn viếng của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Lễ viếng có 01 vòng hoa, dải băng đen có dòng chữ “Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng kính viếng” kèm theo tiền phúng điếu là 2.500.000 đồng (hai triệu năm trăm ngàn đồng). Vòng hoa và tiền phúng điếu do Ban Tổ chức Tỉnh ủy chuẩn bị.

3. Trong quá trình viếng cử nhạc “Hồn tử sĩ”.

4. Viếng xong, trưởng (hoặc phó đoàn) ghi vào sổ tang.

Điều 13. Lễ truy điệu

1. Thành phần dự lễ truy điệu gồm Ban Tổ chức Lễ tang, đại diện các cơ quan đã, đang công tác, địa phương quê hương, nơi cư trú, bạn bè thân hữu và gia đình của người từ trần.

2. Vị trí các đoàn dự Lễ truy điệu (theo hướng nhìn lên lễ đài).

- Gia đình đứng bên trái phòng lễ tang.

- Các đồng chí lãnh đạo cơ quan, địa phương đứng bên phải phông lễ tang.

- Các đoàn đến dự lễ truy điệu do Ban Tổ chức lễ tang sắp xếp.

3. Chương trình Lễ truy điệu:

- Đại điện Ban Tổ chức Lễ tang tiến hành Lễ truy điệu;

- Đọc lời điếu (do đồng chí Trưởng hoặc Phó Ban tổ chức Lễ tang đọc).

- Một phút mặc niệm, cử nhạc buồn và kết thúc Lễ truy điệu.

Điều 14. Lễ đưa tang và xe tang

1. Thành phần dự Lễ đưa tang như thành phần dự Lễ truy điệu (tại khoản 1 Điều 13).

2. Khi chuyển linh cữu lên xe tang và từ xe tang vào phần mộ, các thành viên Ban Lễ tang, các đoàn đại biểu và gia đình đi phía sau linh cữu.

3. Đội phục vụ lễ tang và cơ quan người từ trần đang công tác hoặc đã nghỉ hưu làm nhiệm vụ di chuyển linh cữu, di chuyển vòng hoa vào phần mộ.

4. Đội phục vụ lễ tang và xe tang do Ban Tổ chức Lễ tang và gia đình cùng chuẩn bị.

Điều 15. Lễ hạ huyệt (trường hợp địa táng)

1. Sau khi linh cữu được di chuyển vào vị trí phần mộ, Trưởng ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố Lễ hạ huyệt.

2. Trước lúc hạ huyệt, người nhà của người từ trần phát biểu lời cảm tạ.

3. Đội công tác lễ tang làm nhiệm vụ hạ huyệt.

4. Ban Tổ chức Lễ tang, các đoàn đại biểu và gia đình bỏ nắm đất đầu tiên và đi quanh phần mộ để vĩnh biệt người từ trần.

5. Đội công tác tiếp tục hoàn chỉnh phần mộ.

6. Trong khi tiến hành Lễ hạ huyệt, cử nhạc “Hồn tử sĩ".

Chương IV

LỄ TANG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

Điều 16. Chức danh được tổ chức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức

1. Các chức danh thuộc đối tượng 2, 3, 4 Điều 4 Quy định này khi từ trần được tổ chức theo hình thức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. 

2. Trên cơ sở những nội dung trong Lễ tang cấp tỉnh do Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức, căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, từng trường hợp người từ trần để vận dụng nội dung tổ chức Lễ tang cho phù hợp.

3. Đối với trường hợp người từ trần giữ một trong các chức danh quy định tại khoản 2, 3, 4 Điều 4 bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc hoặc khai trừ khỏi Đảng, Lễ tang không tổ chức theo hình thức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 17. Ban Tổ chức Lễ tang

1. Đối với người từ trần đang công tác:

Ban Tổ chức Lễ tang do cơ quan đang trực tiếp quản lý người từ trần quyết định, gồm các thành viên đại diện cho Tỉnh ủy hoặc UBND tỉnh, cơ quan quản lý người từ trần đang công tác, đại diện gia đình và đại diện chính quyền địa phương nơi người từ trần sinh sống.

2. Đối với người từ trần đã nghỉ hưu:

Ban Lễ tang do cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp nơi người từ trần nghỉ hưu và cư trú phối hợp với cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang quản lý người từ trần trước khi nghỉ hưu quyết định, gồm các thành viên đại diện cho các đoàn thể, chính quyền địa phương, đại diện gia đình và đại diện cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang đã quản lý người từ trần trước khi nghỉ hưu.

Điều 18. Trưởng ban Tổ chức Lễ tang:

1. Đối với người từ trần thuộc đối tượng 2: Nếu người từ trần đang công tác thì do một đồng chí Tỉnh ủy viên đương chức làm Trưởng ban Tổ chức Lễ tang. Người từ trần đã nghỉ hưu do một đồng chí đại diện ban thường vụ huyện ủy, thành ủy làm Trưởng ban Tổ chức lễ tang. Các ủy viên Ban Tổ chức Lễ tang tùy theo vị trí công tác, chức vụ của người từ trần để quyết định cho phù hợp.

2. Đối với người từ trần thuộc đối tượng 3: Nếu người từ trần đang công tác thì do đại diện lãnh đạo cơ quan, đơn vị đang trực tiếp quản lý người từ trần làm Trưởng ban Tổ chức Lễ tang. Người từ trần đã nghỉ hưu do một đồng chí đại diện ban thường vụ huyện ủy, thành ủy làm Trưởng ban Tổ chức lễ tang. Các ủy viên Ban Tổ chức Lễ tang tùy theo vị trí công tác, chức vụ của người từ trần để quyết định cho phù hợp.

3. Đối với người từ trần thuộc đối tượng 4: Người từ trần đang công tác thì do đại diện lãnh đạo cơ quan, đơn vị đang trực tiếp quản lý người từ trần làm Trưởng ban Tổ chức Lễ tang. Người từ trần đã nghỉ hưu do một đồng chí đại diện cấp ủy, chính quyền địa phương (xã, phường, thị trấn, khu phố) cùng gia đình tiến hành.

4. Phân công Trưởng ban Lễ tang có chức vụ tương đương hoặc cao hơn chức vụ người từ trần.

Điều 19. Thông báo tin buồn

1. Chức danh thuộc đối tượng 2 do Tỉnh ủy hoặc UBND tỉnh và cơ quan đã hoặc đang trực tiếp quản lý người từ trần; cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cư trú của người từ trần đứng tên đưa tin buồn trên Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng và sóng phát thanh của địa phương.

2. Chức danh thuộc đối tượng 3, đối tượng 4 do cơ quan đã hoặc đang trực tiếp quản lý người từ trần; cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cư trú của người từ trần đứng tên đưa tin buồn trên Báo Lâm Đồng, Đài Phát thanh - Truyền hình Lâm Đồng và sóng phát thanh của địa phương.

3. Đối với các trường hợp người từ trần là cán bộ Lão thành cách mạng, những người được tặng danh hiệu Vinh dự Nhà nước gồm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, Nghệ sĩ nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Thầy thuốc nhân dân, người được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật và Khoa học - công nghệ, Đảng viên được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên việc đưa tin buồn ngoài các phương tiện báo, đài của địa phương, được thực hiện trên trang 8 Báo Nhân dân.

Điều 20. Nghi thức viếng và phúng điếu

1. Chức danh thuộc đối tượng 2: Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cử 01 đoàn đến viếng. Lễ viếng có 01 vòng hoa, dải băng đen có dòng chữ  “Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng kính viếng”, kèm theo tiền phúng điếu là 2.500.000 đồng (hai triệu năm trăm ngàn đồng). Vòng hoa và tiền phúng điếu do Ban Tổ chức Tỉnh ủy chuẩn bị. 

2. Chức danh thuộc đối tượng 3: Huyện ủy, thành ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện nơi người từ trần nghỉ hưu hoặc cơ quan đơn vị quản lý người từ trần đang công tác cử 01 đoàn đến viếng. Lễ viếng có 01 vòng hoa kèm theo tiền phúng điếu là 2.000.000 đồng (hai triệu đồng). Vòng hoa và tiền phúng điếu do bộ phận chuyên môn của huyện ủy, thành ủy, cơ quan, đơn vị chuẩn bị.

3. Chức danh thuộc đối tượng 4: Đảng ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn nơi người từ trần nghỉ hưu trường trú hoặc cơ quan đơn vị quản lý người từ trần đang công tác cử 01 đoàn đến viếng. Lễ viếng có 01 vòng hoa kèm theo tiền phúng điếu là 2.000.000đ (hai triệu đồng). Vòng hoa và tiền phúng điếu do bộ phận chuyên môn của xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị chuẩn bị.

Chương IV

QUY ĐỊNH VIẾNG THÂN NHÂN KHI TỪ TRẦN

VÀ PHÚNG VIẾNG NGOẠI GIAO

Điều 21. Đối với thân nhân cư trú tại Lâm Đồng khi từ trần (bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ; vợ hoặc chồng, con)

1. Thân nhân các chức danh thuộc đối tượng 1

Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cử một đoàn đến viếng. Lễ viếng có 01 vòng hoa, dải băng đen có dòng chữ “Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng kính viếng” kèm theo tiền phúng điếu là 1.500.000 đồng (một triệu năm trăm ngàn đồng). Vòng hoa và tiền phúng điếu do Ban Tổ chức Tỉnh ủy chuẩn bị.

2. Thân nhân các chức danh thuộc đối tượng 2

Tỉnh ủy hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh đến viếng. Lễ viếng có 01 vòng hoa, dải băng đen có dòng chữ “Tỉnh ủy - HĐND - UBND - UBMTTQVN tỉnh Lâm Đồng kính viếng” kèm theo tiền phúng điếu là 1.500.000 đồng (một triệu năm trăm ngàn đồng). Vòng hoa và tiền phúng điếu do Ban Tổ chức Tỉnh ủy chịu trách nhiệm.

3. Thân nhân các chức danh thuộc đối tượng 3

Huyện ủy, thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, thành phố nơi cán bộ nghỉ hưu thường trú hoặc cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác cử một đoàn đến viếng. Lễ viếng gồm 01 vòng hoa kèm theo tiền phúng điếu là 1.000.000 đồng (một triệu đồng).

4. Thân nhân các chức danh thuộc đối tượng 4.

Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, phường, thị trấn nơi cán bộ nghỉ hưu thường trú hoặc cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác cử một đoàn đến viếng. Lễ viếng gồm 01 vòng hoa kèm theo tiền phúng điếu là 1.000.000 đồng (một triệu đồng).

Điều 22. Đối với thân nhân cư trú tại tỉnh khác thì căn cứ vào quy định tại khoản 1, 2, 3, 4 của Điều 21 có thể sắp xếp tổ chức đoàn đến viếng hoặc gửi điện hoa chia buồn.

Điều 23. Phúng viếng ngoại giao

- Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cử một đoàn đến viếng. Lễ viếng có 01 vòng hoa, dải băng đen có dòng chữ “Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng kính viếng” kèm theo tiền phúng điếu là 1.000.000 đồng (một triệu đồng). Vòng hoa và tiền phúng điếu do Ban Tổ chức Tỉnh ủy chuẩn bị.

- Các trường hợp đặc biệt do Thường trực Tỉnh ủy quyết định.

Chương V

TRỢ CẤP MAI TÁNG VÀ XÂY MỘ

Điều 24. Trợ cấp mai táng

1. Trợ cấp mai táng ngoài mức kinh phí theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, được ngân sách Tỉnh hỗ trợ, mức quy định cụ thể đối với từng đối tượng sau:

- Đối tượng 1 được hỗ trợ số tiền là 10.000.000đ (mười triệu đồng chẵn).

- Đối tượng 2 được hỗ trợ số tiền là 7.000.000đ (bảy triệu đồng chẵn).

- Đối tượng 3 được hỗ trợ số tiền là 5.500.000đ (năm triệu năm trăm ngàn đồng chẵn).

- Đối tượng 4 được hỗ trợ số tiền là 4.500.000đ (bốn triệu năm trăm ngàn đồng chẵn).

2. Trợ cấp mai táng do các cơ quan, đơn vị nơi người từ trần đang công tác hoặc địa phương nơi người từ trần nghỉ hưu thực hiện chi (không cân đối vào kinh phí chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị) và thanh quyết toán với cơ quan có thẩm quyền cấp ngân sách theo quy định.

Điều 25. Quản lý nghĩa trang 

Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao các huyện, thành phố quản lý nghĩa trang trên địa bàn mình tuân thủ theo pháp luật về đất đai, Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 của Chính Phủ về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh và vệ sinh môi trường.

Điều 26. Xây mộ

1. Vị trí mai táng, diện tích, kích thước và quy mô, hình thức xây mộ theo quy định của Ban quản lý nghĩa trang, nhằm đảm bảo sự hài hòa, thống nhất theo quy hoạch tổng thể của nghĩa trang.

2. Mộ được xây bằng vật liệu xây dựng, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh gia đình người từ trần.

Điều 27. Trường hợp người từ trần có hoàn cảnh neo đơn hoặc vì lý do nào đó mà gia đình hoặc thân nhân đề nghị với cơ quan người từ trần đang công tác, đã công tác trước khi nghỉ hưu hoặc địa phương nơi thường trú lo toàn bộ lễ tang, mai táng (nếu được cơ quan và địa phương chấp nhận) thì kinh phí của ngân sách địa phương, cơ quan hỗ trợ và tiền phúng điếu sẽ do Ban Lễ tang quản lý, công khai sử dụng vào việc lo lễ tang, xây mộ. Sau khi thanh, quyết toán các chi phí cho lễ tang, xây mộ, số tiền còn lại (nếu có) sẽ bàn giao cho gia đình người từ trần.

Các trường hợp đặc biệt báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ quyết định.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 28. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, Văn phòng Tỉnh uỷ, các ban đảng Tỉnh uỷ, Uỷ ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh; các sở, ban, ngành của tỉnh; các huyện ủy, thành ủy, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, các cơ quan liên quan trên địa bàn tỉnh có trách nhiệm thi hành Quy định này; tùy theo điều kiện có thể cụ thể hóa quy định này cho phù hợp với địa phương, đơn vị.

Điều 29. Kinh phí thực hiện

1. Kinh phí thực hiện chế độ tổ chức Lễ tang và tổ chức đoàn đến viếng cán bộ, thân nhân cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quản lý qua các thời kỳ khi từ trần do Ngân sách tỉnh đảm bảo và cấp theo dự toán hằng năm của các cơ quan, địa phương, đơn vị.

2. Các cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì, tham mưu, thực hiện tổ chức lễ tang và tổ chức đoàn viếng cán bộ và thân nhân cán bộ, công chức, viên chức khi từ trần hàng năm phải chủ động xây dựng dự toán, thực hiện chế độ báo cáo, thanh quyết toán tài chính theo quy định hiện hành.

Điều 30. Quy định này thay thế Quy định số 04-QĐ/TU ngày 28/4/2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, đảng, đoàn thể; đảng viên được tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên khi từ trần.

....

Lượt xem: 56.889

 

Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001252619
  •  Đang online: 36
  •  Trong tuần: 16.455
  •  Trong tháng: 56.833
  •  Trong năm: 213.322