TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG NĂM 2024
Bức tranh xây dựng nông thôn mới ở Cát Tiên In trang
26/01/2018 12:00 SA

Sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/HU huyện Cát Tiên về tiếp tục lãnh đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Cát Tiên cho thấy nhiều mô hình “Dân vận khéo, “Khu dân cư kiểu mẫu” và sản xuất nông nghiệp… làm điểm nhấn cho bức tranh nông thôn mới ở đây trở nên sinh động và lan tỏa trong cộng đồng.

Mô hình nuôi cá nước ngọt chất lượng cao ở xã Gia Viễn. Ảnh: L.Hoa
Mô hình nuôi cá nước ngọt chất lượng cao ở xã Gia Viễn. Ảnh: L.Hoa

Xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí

Ông Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Từ triển khai Đề án xây dựng NTM và Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn, huyện luôn bám sát 19 tiêu chí, bảo đảm lộ trình, kế hoạch, có đánh giá, khen thưởng kịp thời từng năm.

Huyện chú trọng xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ trong xây dựng NTM, cứng hóa 85 tuyến đường giao thông nông thôn; đầu tư công trình hồ chứa nước Đạ Sị, nâng cấp các trạm bơm trên sông Đồng Nai; lồng ghép các vốn đầu tư thủy lợi nhỏ, kiên cố hóa kênh mương, phát triển hệ thống ao hồ nhỏ. Phối hợp với Điện lực Lâm Đồng xây dựng đường lưới điện cho 3 thôn Vĩnh Ninh, Thôn 3 và Thôn 4 của xã Phước Cát 2, với tổng mức đầu tư 12 tỷ đồng, dự kiến đóng điện trước Tết Nguyên đán 2018, cấp điện cho hơn 110 hộ dân.

Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao cũng được chú trọng theo hướng chuẩn quốc gia, với việc đầu tư các chương trình phụ trợ cho 17 trường học, xây mới 3 trường học và 1 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; trung tâm văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xã, sân vận động... được sửa chữa nhằm phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao và nâng cao đời sống tinh thần của người dân… hướng đến mục tiêu, năm 2019, có 10/10 xã đạt tiêu chí về giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa.

Đến nay, Cát Tiên đã có 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và 10 bác sĩ/1 vạn dân; 23/37 trường đạt chuẩn quốc gia (62,16%); 85% dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; 96,3% thôn, buôn có điện lưới quốc gia. Năm 2016-2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 39,1 triệu đồng/người/năm; giải quyết việc làm mỗi năm hơn 1.700 lao động. Hiện có 47 mô hình “Dân vận khéo” được UBND huyện công nhận; 6 mô hình tuyến đường không rác, 6 mô hình thắp sáng điện nông thôn, 4 mô hình thu gom rác thải, thuốc BVTV; tập huấn cho 360 lượt cán bộ nông thôn mới cấp xã, thôn… Cuối năm 2017, Cát Tiên có 6/10 xã/thị trấn đạt chuẩn NTM, xây dựng thí điểm “khu dân cư kiểu mẫu” phù hợp với điều kiện của từng địa phương, trên địa bàn 5 thôn tại 5 xã (Gia Viễn, Quảng Ngãi, Đức Phổ, Phước Cát 1, Tiên Hoàng).

Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao

Cát Tiên là huyện thuần nông, kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ trọng 43,16% trong cơ cấu kinh tế, tổng diện tích gieo trồng năm 2017 đạt hơn 20.565 ha, đạt giá trị sản xuất bình quân gần 58,3 triệu đồng/ha. Phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với ứng dụng công nghệ cao (UDCNC) là chương trình trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cát Tiên lần thứ VII (nhiệm kỳ 2015-2020). Cát Tiên đang hình thành 12 chuỗi liên kết về sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao; sản xuất cây mía; cây dâu tằm; diệp hạ châu… với 2.439 ha UDCNC, chiếm 12% diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Trần Quang Trừng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên: Cùng với sự chuyển biến tích cực về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ gắn với đẩy mạnh UDCNC, áp dụng khoa học kỹ thuật…, chính quyền huyện Cát Tiên định hướng xây dựng những “cánh đồng mẫu lớn”, gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới để sản xuất sạch theo nhu cầu thị trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hạn chế dư lượng thuốc BVTV, bảo vệ người sản xuất và cả người tiêu dùng.

Lúa là cây trồng chủ lực ở Cát Tiên với trên 2.229 ha UDCNC. Từ năm 2013, Cát Tiên đã sử dụng thương hiệu “Lúa - Gạo Cát tiên” để đưa sản phẩm lúa gạo trở thành nguồn hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường, tăng thu nhập của người nông dân trên một đơn vị canh tác. Sản phẩm lúa gạo mang nhãn hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên” được tiêu thụ ở nhiều tỉnh như Bình Phước, Đăk Lăk, Đăk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh… với sản lượng liên kết tiêu thụ lúa giống đạt 1.930 tấn, gạo 5.200 tấn.

Diệp hạ châu cũng đang được sản xuất theo quy trình thực hành tốt trồng trọt và thu hái nông nghiệp (GACP), được chọn là vùng nguyên liệu cho Công ty Ladophar hơn 15 ha. Cát Tiên cũng đang liên kết với Công ty La Ngà trồng 250-300 ha mía liên kết. Ngoài ra, Cát Tiên có 472 ha rau chuyên canh, hơn 115 ha dâu tằm.

Không chỉ cây trồng, Cát Tiên đang có đàn gia súc, gia cầm gần 200 ngàn con trâu, bò, heo, gà. Cát Tiên cũng có 8/10 xã có hợp tác xã, với 14 HTX nông nghiệp; đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, góp phần hoàn thành tiêu chí tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện.

Với những kết quả đạt được nêu trên, Cát Tiên tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Cát Tiên cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, hướng đến mục tiêu đến cuối năm 2019, 10/10 xã/thị trấn toàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

LÊ HOA - baolamdong.vn

Lượt xem: 1.549

 

Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001268076
  •  Đang online: 28
  •  Trong tuần: 9.464
  •  Trong tháng: 72.290
  •  Trong năm: 228.779