TOÀN ĐẢNG, TOÀN DÂN, TOÀN QUÂN RA SỨC THI ĐUA THỰC HIỆN THẮNG LỢI NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, AN NINH QUỐC PHÒNG NĂM 2024
Hạt ngọc Cát Tiên In trang
17/02/2018 12:00 SA

Có một loại gạo từ giống lúa bắt đầu được trồng đại trà ở Cát Tiên, cho hạt cơm thơm, trong, vị đậm, mềm, để nguội không khô cứng. Ai ăn rồi, sẽ không muốn ăn loại gạo khác.

Ruộng đối chứng RVT ở trung tâm huyện Cát Tiên. Ảnh: L.H
Ruộng đối chứng RVT ở trung tâm huyện Cát Tiên. Ảnh: L.H

Cát Tiên bén duyên với RVT

“Ai ăn rồi sẽ không muốn ăn loại gạo khác!” - là lời giới thiệu của Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cát TiênTrần Quang Trừng về một loại gạo được trồng khảo nghiệm thành công ở Cát Tiên từ giống lúa thơm thuần chủng RVT.

Giống lúa RVT ở Việt Nam có công rất lớn của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn. Năm 2010, ông Tạn lúc đó là Phó Thủ tướng đã tặng cho tỉnh Sóc Trăng lúa giống RVT và ông Hồ Quang Cua chịu trách nhiệm tổ chức nhân giống. Sau ba vụ, có giống thuần, ông Cua chia cho Vinaseed (Công ty Giống cây trồng Trung ương) 200 kg lúa giống nhân một dịp lãnh đạo Vinaseed tháp tùng ông Tạn vào thăm. Hiện nay, RVT thích nghi rộng ở vùng lúa đồng bằng Sông Cửu Long - từ bán đảo Cà Mau đến vùng Đồng Tháp Mười, cho đến Cần Đước (Long An)... RVT cũng được trồng ở miền Bắc và Tây Nguyên.

Trên bao bì lúa giống RVT của Vinaseed ghi “RVT là giống lúa thuần chất lượng do nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn nhập nội và tuyển chọn”. Theo quy cách, cây cao từ 100-110 cm, phiến lá đứng, dày, lá đòng lòng mo, đẻ nhánh khá, khóm gọn; thời gian sinh trưởng tùy theo mùa vụ sản xuất, từ 105-120 ngày (vụ Xuân) và từ 95-100 ngày (vụ Hè Thu/Mùa); lúa hạt nhỏ, thon dài, màu vàng sáng, khoảng 1.000 hạt được 18-19gr; chất lượng gạo tốt, hạt trong, không bạc bụng, cơm mềm, vị đậm, có mùi thơm nhẹ; năng suất trung bình từ 55-60 tạ/ha, thâm canh tốt đạt tới 65-70 tạ/ha; chống đổ tốt, chống chịu khá với một số sâu bệnh và có khả năng thích ứng rộng”.

“Cuối năm 2015, ông Thạch Xuân Lộc ở Công ty Lộc Xanh (Gò Vấp - TP Hồ Chí Minh) đưa phân sinh học về Cát Tiên. Mấy anh em nói chuyện, ông Lộc giới thiệu về giống lúa RVT đang được trồng ở Đồng bằng Sông Cửu Long và kết nối với con trai ông kỹ sư Thái Anh Hòa ở Đại học Nông Lâm chuyên làm lúa này. Thế là mấy anh em, thầy trò dắt nhau đi tham khảo, nghiên cứu” - ông Ngô Hồng Hà, Bí thư thị trấn Cát Tiên, nói về cơ duyên đưa RVT về đây.

Gia đình ông Ngô Hồng Hà làm lúa RVT được 2 năm rồi. Ban đầu chỉ gieo có 2 sào, rồi tăng lên 1,2 ha. Thấy chất lượng gạo tốt, ông hô hào thêm anh em Mặt trận, Nông dân làm được 4,5 ha. Vụ mùa vừa qua là 7 ha, trong đó, 2 ha ở Gia Viễn. Năng suất trồng trên đồng ruộng ở Cát Tiên khoảng 7 tạ/sào, không kém hơn các loại lúa khác, nhưng được thu mua cao hơn 1 ngàn đồng/kg. Gạo đưa ra thị trường bán lẻ ở TP Hồ Chí Minh với giá từ 18 - 25 ngàn đồng/kg.

Mảnh ruộng cấy đối chứng của ông Hà còn 10 ngày nữa mới gặt nằm sát bên ruộng lúa khác sẽ thu trong vòng 1 tuần đang vàng ruộm. Ông Hà chỉ cho chúng tôi xem sự khác biệt: Khoảng cách gốc cách gốc của RVT xa nhau hơn vì cây cao hơn, trổ nhánh nhiều hơn, dài hơn, bông dày hơn, hạt sai hơn. Trong 1 m2, lúa khác đạt 300 gié, mỗi gié 130 hạt. Còn RVT 200 gié, mỗi gié 190 hạt. Số lượng hạt lúa là tương đương, nhưng RVT chỉ cần một nửa lượng giống. 10 ký lúa giống RVT sạ được trên 1 sào, thưa hơn các giống lúa khác. RVT cũng có thời gian sinh trưởng dài hơn khoảng 10 ngày.

Từ RVT đến Hạt Ngọc Cát Tiên

Ông Ngô Hồng Hà
Ông Ngô Hồng Hà Ngay từ khi bắt đầu với RVT, ông Hà đã tiến hành sản xuất theo quy trình hữu cơ, không phải bơm thuốc trừ sâu, sử dụng phân sinh học. Sau mỗi lần thu hoạch, ông đều lấy mẫu gửi đi Sài Gòn để kiểm định và cho kết quả là không có dư lượng thuốc BVTV trong hạt gạo. Ông Hà nhớ lại:

Ban đầu rất ít người làm, do sử dụng chế phẩm sinh học, năng suất không bằng những giống khác. Lá thì cứ vàng vàng mà không xanh như bón phân ure. Dùng phân sinh học thì chỉ kháng bệnh chứ không trị bệnh được, do có mùi hôi khét nên côn trùng bỏ đi. Lúc ấy khó khăn lắm! Lại thêm người nói ra người nói vào...

Chúng tôi đến thăm nhà ông Hà vào lúc cả gia đình đang bận rộn xây dựng cơ sở dịch vụ xay xát có công suất 2 tấn lúa/giờ, làm đủ các công năng xay, nghiền, làm cám viên... Ông cũng dự tính sẽ bao tiêu toàn bộ lúa RVT trên địa bàn, theo phương thức cung cấp giống cho bà con và thu mua lúa nguyên liệu cao hơn các loại lúa khác 1.000 đ/kg. Hiện tại, mỗi tháng ông tiêu thụ được khoảng 8 tấn lúa, quy ra là 5 tấn gạo (khoảng 1,2 ha), chỉ bán cho “mối”, vì chưa đủ sản lượng để cung cấp rộng ra thị trường.

Câu chuyện của chúng tôi sôi nổi hơn với bữa cơm chiều không hẹn trước cùng gia đình ông Hà. Tô cơm RVT thơm nhẹ rất khác biệt với màu cơm đậm hơn vì xay thô, không chà bóng, còn cám. “Cơm này từ lúa thu cách đây 4 tháng rồi, nên giảm mùi thơm. Chứ lúc mới thu, thơm ghê lắm!” - vợ ông Hà giới thiệu. Và quả như lời anh Trừng, hạt cơm dẻo ngọt, thơm mềm, tưởng chừng chỉ cần rưới nước mắm là có thể ăn từ ngày này sang ngày khác…

Từ những câu chuyện quanh mâm cơm, chúng tôi được biết, ông Hà chọn giống lúa RVT và theo đuổi phương thức sản xuất sạch, là vì, RVT có hình thức hạt gạo đẹp, cơm ngon đậm không cần bàn nữa, nhưng triết lý của ông Hà là “Cát Tiên trồng cả ngàn hecta lúa, nếu không canh tác hữu cơ thì dần dần không thể nào cạnh tranh nổi”. Chuyện người trồng lúa trước khi thu 10-12 ngày mang bình thuốc ra ruộng xịt là bình thường, nhưng như thế, không những ảnh hưởng đến môi trường, mà sức khỏe người trồng lúa và người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng theo.

Chị Phạm Thị Mận - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Cao Sinh (Gia Viễn), người trực tiếp tham gia làm 2 ha lúa thử nghiệm RVT nhận xét: RVT có 2 điểm mạnh là lá cứng nên không bị cuốn lá và không bị bệnh đạo ôn. Cơm thì đậm đà lắm, đang ăn RVT mà ăn sang gạo khác thấy nhạt liền. Vụ Đông Xuân này chúng tôi sẽ gieo cấy 3 ha thí điểm lần nữa để rút kinh nghiệm. Theo chúng tôi, cây lúa RVT có vẻ sinh trưởng vào vụ Đông Xuân thích hợp hơn vụ Hè Thu - bị nắng hạn hơn.

Cùng với việc xây dựng dịch vụ xay xát, gia đình ông Hà cũng thành lập hợp tác xã nông nghiệp do con trai ông là Ngô Quốc Chí làm Giám đốc và bắt đầu sản xuất 3 loại gạo riêng lấy tên “Hạt Ngọc Cát Tiên” là RVT (CT1), Đài thơm tám (CT2) và Bồ câu (OM6162 và OM4900), theo phương thức canh tác hữu cơ, nuôi trồng ở Cát Tiên tạo nên phẩm chất hạt gạo khác biệt.

Xây dựng vùng nguyên liệu sạch

Cát Tiên là huyện cực nam Lâm Đồng, nằm dọc sông Đồng Nai, có hệ thống thủy lợi, đường giao thông nội đồng hoàn chỉnh, thuận lợi phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, với lúa là cây trồng chủ lực có diện tích gieo trồng năm 2017 đạt 9.137 ha, trong đó, gần 7.484 ha lúa chất lượng cao. Từ năm 2013, Cát Tiên đã triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất “Cánh đồng mẫu lớn gắn với công nghệ cao” ở 9 xã, thị trấn cho 6 giống lúa (OM6162, OM4900, OM5451, OM4097, MTL392, OM4498) gắn thương hiệu “Lúa - Gạo Cát Tiên” trên bao bì sản phẩm, trong đó, tập trung nhiều nhất ở thị trấn Cát Tiên, Phước Cát 1 và xã Gia Viễn.

Là một trong 3 vùng sản xuất lúa chủ lực của huyện Cát Tiên, Gia Viễn có năng suất lúa bình quân đạt 6 tấn/ha. Năm 2017, Gia Viễn cũng bắt đầu triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ, thí điểm 2 ha RVT; đồng thời, quy hoạch 20 ha tập trung ở thôn Cao Sinh để sản xuất lúa gạo hữu cơ giống RVT. Chính quyền xã Gia Viễn khuyến khích bà con nông dân thực hành nông nghiệp sạch để bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường và để hàng hóa có chất lượng tốt, an toàn cho sức khỏe.

Ông Trần Quốc Huy - Chủ tịch UBND xã Gia Viễn chia sẻ: Làm lúa RVT khó ở chỗ nhận thức của người dân. Thí điểm chỉ có 2 ha, nhưng xung quanh, các hộ dân đều dùng thuốc hóa học, sâu bệnh dồn lại trên ruộng lúa RVT, khiến năng suất kém, chất lượng không bằng các ruộng khác. Vì vậy, xã quy hoạch riêng 20 ha ở thôn Cao Sinh để sản xuất lúa sạch; đồng thời, tổ chức sản xuất luân phiên một vụ cá, một vụ lúa, dùng cá dọn vệ sinh đồng ruộng để cấy lúa.

Theo lời ông Chủ tịch UBND xã Gia Viễn, chúng tôi đến thôn Cao Sinh, nơi có 64 hộ dân (gồm 28 hộ đồng bào DTTS), có tổng diện tích sản xuất lúa là 70 ha. Thôn Cao Sinh nằm ngay sát hồ thủy điện Đăk Lô, nên nước tưới quanh năm, chẳng thiếu bao giờ. Những cánh đồng nối tiếp cánh đồng đang ở kỳ rửa phèn, bà con chưa xuống giống, chỉ có nước lúp xúp trải váng phèn ở góc ruộng. Mấy chú vịt thản nhiên bơi lội. Thỉnh thoảng có vài chú cò xà xuống bắt mồi...

Mỗi năm, Cao Sinh chỉ làm 2 vụ lúa dựa vào điều kiện tự nhiên là chủ yếu, vì tránh mùa mưa, các công trình thủy điện Đồng Nai 5, Đồng Nai 4 và Đa Nhim xả lũ sẽ ngập hết. Chị Hoan - Trưởng Ban Công tác Mặt trận của thôn Cao Sinh, không giấu nổi nỗi buồn: “Vụ hè thu năm 2017, lần đầu tiên chúng tôi trồng thử 2ha lúa RVT. Do chưa có kinh nghiệm, nên năng suất kém, nhưng phải công nhận là chất lượng rất tốt, gạo ngon. Thêm vào đó, thời tiết không thuận lợi, 2 ha RVT lại trồng xen trong vùng trồng lúa nếp nên bị nhiễm bệnh từ cây lúa nếp. Bà con chủ quan, không ngăn cách, xử lý; đến lúc ruộng lúa bị nhiễm nặng không thể trị dứt, có khoảnh còn bị lép, không thu được hạt nào phải cắt cho vịt ăn...”.

Dù vậy, chị Mận và chị Hoan khẳng định vẫn theo giống lúa RVT và phương thức sản xuất sạch. Bà con trong thôn Cao Sinh cũng rất đồng tình với việc quy hoạch vùng sản xuất RVT. Tuy nhiên, vấn đề của bà con là phải bảo đảm được đầu ra, bao tiêu sản phẩm toàn bộ. “Chứ vụ vừa rồi, làm thử 2 ha, năng suất kém hơn một nửa, mà bán giá không cao hơn được bao nhiêu...”.

Hướng đến sản xuất chuyên nghiệp

Lúa RVT vụ Đông Xuân này đang được sản xuất đại trà với kế hoạch 50 ha ở thị trấn Cát Tiên và 10 ha ở Gia Viễn. Tính sơ sơ, ngoài lượng lúa bà con giữ lại, sẽ có khoảng 300 tấn bán ra. Vấn đề là:

- “Thực tế, nếu thu mua hết thì chúng tôi không đủ vốn. Cần khoảng 1,8-2 tỷ đồng để thu mua trong một thời gian ngắn không phải dễ; mà mất cả năm để thu hồi vốn. Nếu vay ngân hàng cũng mất hơn 200 triệu đồng/năm tiền lãi nữa.

Theo đuổi phương thức sản xuất lúa gạo sạch không đơn giản chút nào là vậy. Riêng vốn thôi đã là một câu chuyện khó rồi. Nhưng nếu không thu hết sẽ ảnh hưởng đến quy trình nuôi trồng RVT, rồi chất lượng gạo, ảnh hưởng đến quá trình xây dựng loại gạo mới “Hạt Ngọc Cát Tiên”... - ông Hà cho hay.

- Cũng may, lãnh đạo huyện rất ủng hộ. Vụ mùa Đông Xuân này, huyện hỗ trợ 50% tiền giống cho bà con và hỗ trợ 30 triệu tiền bao bì (khoảng 15 ngàn cái) cho Hợp tác xã.

Giống có, diện tích canh tác có, kỹ thuật có, sơ chế có, thị trường tiêu thụ có... ông Hà dự kiến sẽ đầu tư máy giập bao khoảng 100 triệu đồng và mở rộng vùng nguyên liệu thêm 20 ha nữa ở xã Đak Lua (huyện Tân Phú - tỉnh Đồng Nai). Ông Hà cũng đang hoàn tất thủ tục để “Hạt Ngọc Cát Tiên” có tên trong danh mục thương hiệu “Lúa Gạo Cát Tiên”.

Ông Hà cũng như nhiều gia đình nông dân khác ở Cát Tiên đã tạo những bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp, chuyển biến nhận thức trong quản lý dịch hại, phòng trừ sâu bệnh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo hướng an toàn, cải tạo và phục hồi đất... góp phần đưa lúa gạo Cát Tiên thực sự trở thành “Hạt Ngọc” được người tiêu dùng đón nhận ngày một nhiều hơn...

*

Khi mùa xuân đang gõ cửa khắp nơi nơi, gọi điện thoại về Cát Tiên hỏi thăm, ông Hà vui vẻ thông báo: “Hạt Ngọc Cát Tiên” cấy vụ Đông Xuân được gần 100 ha lận. Mấy anh nông dân thích quá yêu cầu cung cấp thêm giống vượt hơn 30 ha so với kế hoạch. Nay cây lúa đã lên được 40-50 ngày. Đẹp lắm! Xem chừng vụ này sẽ thắng lợi, phải thu hơn 7 tạ/sào đó. Giá lúa khô cũng lên đến 90 (9.000đ/kg) và đang tiêu thụ mạnh…

Tết Nguyên đán này, vụ đông xuân sẽ rộn ràng lắm... Cô về chơi!

LÊ HOA - baolamdong.vn

Lượt xem: 2.606

 

Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 001270845
  •  Đang online: 27
  •  Trong tuần: 12.233
  •  Trong tháng: 75.059
  •  Trong năm: 231.548