Từ các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, nguồn vốn vay ưu đãi, đã có rất nhiều hộ vươn lên thoát nghèo nơi vùng xa Cát Tiên.
Mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Đắk Lô (xã Gia Viễn) đang mang lại thu nhập cao cho người dân Cát Tiên. Ảnh: T.Ðồng
Sự hỗ trợ của Nhà nước
Số liệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cát Tiên chỉ rõ, trong giai đoạn 2016 - 2018, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 hơn 8,9 tỷ đồng, huyện Cát Tiên triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng tại các xã, thôn khó khăn. Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cát Tiên cũng triển khai cho 448 hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi số tiền hơn 19,3 tỷ đồng, 925 hộ cận nghèo vay số tiền hơn 36,3 tỷ đồng và cho 1.291 hộ mới thoát nghèo vay số tiền trên 54 tỷ đồng để phát triển sản xuất. Ngoài ra, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Cát Tiên đã đầu tư hơn 16,6 tỷ đồng và hỗ trợ đầu tư hơn 679,3 tỷ đồng để các xã trong huyện nâng cấp cơ sở hạ tầng. “Cát Tiên tổ chức thực hiện tốt việc lồng nghép các chương trình chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, chương trình khoa học công nghệ số tiền hơn 19,2 tỷ đồng và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các hộ nghèo, hộ khó khăn, hộ dân tộc thiểu số... số tiền hơn 31,5 tỷ đồng. Chưa kể, giai đoạn 2016 - 2018, Cát Tiên còn chi trả hơn 1,7 tỷ đồng tiền điện cho các đối tượng chính sách, chi trợ cấp tết hơn 2 tỷ đồng, hỗ trợ cứu đói dịp tết hơn 442 triệu đồng, cấp 48.312 thẻ Bảo hiểm Y tế, hỗ trợ đào tạo nghề cho 575 lao động, giải quyết việc làm mới cho 5.374 lao động... Trong số 5.374 lao động này, có 30 lao động đi xuất khẩu tại các thị trường lao động nước ngoài”, ông Nguyễn Bình, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cát Tiên, chia sẻ.
Ông Trần Nam Dân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cát Tiên cho biết: “Riêng trong năm 2018, Hội phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện Cát Tiên đã mở 8 lớp đào tạo nghề cho 250 lao động. Ngoài ra, Hội Nông dân huyện Cát Tiên còn phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Cát Tiên thành lập Tổ liên kết vay vốn hỗ trợ nông dân với dư nợ hơn 471 tỷ đồng, cũng như đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cát Tiên cho nông dân vay vốn sản xuất với dư nợ hơn 78 tỷ đồng và tín chấp với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện huyện Cát Tiên cho 15 nông hộ vay số tiền 725 triệu đồng để phát triển sản xuất. Song song đó, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân huyện Cát Tiên cũng đã tạo điều kiện cho 120 hội viên vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình”.
Chính nhờ việc triển khai có hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án, cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân, rất nhiều hộ nghèo, hộ khó khăn ở huyện Cát Tiên đã thoát được nghèo, góp phần củng cố, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện Cát Tiên.
“Theo kết quả đánh giá hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Cát Tiên đều giảm đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Cát Tiên giảm 4,63%, năm 2017, tỷ lệ này giảm 3,63% và năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm 2,18%”, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cát Tiên - ông Nguyễn Bình phấn khởi nói.
Nỗ lực từ phía người dân
Theo ông Nguyễn Bình, địa phương đạt được những kết quả đáng kể trong công tác giảm nghèo những năm gần đây, ngoài việc hỗ trợ tích cực từ Nhà nước, còn có sự vươn lên của các hộ nghèo. “Mỗi năm, ở Cát Tiên, đều có những hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Điều đó cho thấy sự chuyển biến tích cực về nhận thức của người dân. Những hộ tự nguyện viết đơn ra khỏi hộ nghèo này hiểu rằng, một khi có đủ năng lực, đủ điều kiện thoát nghèo, thì nên nhường sự hỗ trợ từ phía Nhà nước cho những hộ khó khăn khác, để không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Nguyễn Bình tâm sự.
Cùng với việc hỗ trợ người dân thoát nghèo, huyện Cát Tiên còn đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, nhất là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp, nhằm tăng năng suất và sản lượng. “Từ phong trào này, ở Cát Tiên đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, như hộ ông Phạm Hữu Tình (xã Gia Viễn) nuôi cá lồng trên hồ Đắk Lô (thu nhập 380 triệu đồng/năm sau trừ chi phí), hộ ông Điểu K’Chang (xã Đồng Nai Thượng) trồng cà phê và điều (thu nhập khoảng 250 triệu đồng/năm), hộ ông Đỗ Văn Chung (xã Gia Viễn) trồng trọt và chăn nuôi (thu nhập hơn 400 triệu đồng/năm) và hộ ông Lê Khánh Thịnh (xã Tiên Hoàng) trồng 32 ha cây lâm nghiệp và trồng 16 ha cây ăn trái...”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cát Tiên, ông Trần Nam Dân cho hay.
Theo ông Trần Nam Dân, từ phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, thời gian qua, huyện Cát Tiên đã hình thành 14 chuỗi liên kết, góp phần ổn định sản xuất, từng bước thâm nhập thị trường. Ngoài ra, huyện Cát Tiên còn hình thành 17 trang trại, 33 tổ hợp tác và 26 hợp tác xã. Qua bình xét, năm 2018, huyện Cát Tiên có 2.372 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Trong đó, 49 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, 337 cấp huyện và 1.986 cấp cơ sở.
THÀNH ÐỒNG - baolamdong.vn