Hàng chục năm trước, việc dùng sọt tre nứa đựng nông sản ở chợ hay vận chuyển đường xa là bình thường. Nhưng, khi đồ nhựa xuất hiện và ngày càng phổ biến, giá thành lại rẻ hơn, do có độ dày dẻo, chịu được trọng tải lớn, dùng đi dùng lại và có thể tái chế được, thì sọt tre nứa vắng bóng dần… Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã sử dụng sọt tre nứa đựng hàng nông sản xuất khẩu; và, cây mum được Công ty TNHH Song Nga ở Cát Tiên khai thác làm nguyên liệu để đan loại sọt đó.
Bùi Thị Nga và sản phẩm giỏ mum gia công. Ảnh: L.Hoa
Công ty TNHH Song Nga do Bùi Thị Nga, sinh năm 1989 làm Giám đốc, mới bắt đầu đan sọt mum được 2 tháng nay. Nga vốn là kỹ sư Nông Lâm, đã từng làm việc ở dự án cacao, công ty phân bón và gia công đan sọt nhựa. Cuối năm 2015, Nga chuyên tâm đan sọt bằng khung sắt với sợi nhựa. 3 năm sau (2018), Nga bất ngờ nhận được đơn đặt hàng đan sọt tre, nhưng do lúc đó đang là cao điểm của sọt sợi nhựa, nên Nga vẫn chưa làm gì.
Đầu năm 2019, Nga bắt tay vào nghiên cứu đơn hàng sọt tre đựng nông sản của khách hàng Đài Loan có trụ sở công ty ở Biên Hòa. Nga bỏ thời gian tìm hiểu ở Củ Chi, nơi có tới 5 xưởng đan sọt tre mà không đủ hàng; rồi ra Bắc nghiên cứu về máy móc; tìm nguồn nguyên liệu… Hiện, tại xưởng của Công ty Song Nga có nhiều loại máy phục vụ cho các công đoạn cho tới khi sản phẩm sọt tre được đóng cây sẵn sàng xuất đi. Đó là máy chẻ nan mỏng, mách tách 3, máy uốn cạp, máy hơi bắn đinh, máy cắt mum, máy ép cây, máy thục... Đây hầu hết là các loại máy tự chế ở vùng có sử dụng các loại mây tre làm nguyên liệu.
Và, cây mum phổ biến ở vùng Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai đã được lựa chọn. Mum là một loại tre có độ mềm dẻo và chiều cao trung bình mọc thành cụm dày, thân cây cao 8-10 m, đường kính thân 5,5-6 cm, vách thân 0,6-0,8 cm, lóng dài 25-28 cm, tương đối cứng. Thân mum non màu xanh, có lông và mỏng, lại đắng nên không bị khai thác măng… Thường gặp ở rừng tự nhiên vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, có nhiều ở Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai. Mum được dùng làm nguyên liệu để sản xuất giấy; người dân địa phương thì sử dụng mum làm phên che, vách nhà, đòn tay, chẻ rui mè...
Ở vùng Cát Tiên cây mum phát triển và sinh trưởng tự nhiên. Nhiều nơi, bà con phải chặt cây, phá gốc, đốt bỏ để lấy đất sản xuất. Nên, từ khi Công ty Song Nga sản xuất sọt mum, bà con đi rẫy, đi rừng tiện thể chặt cây mum mang về bán kiếm thêm thu nhập và Song Nga cũng không phải đặt nguyên liệu mum từ các công ty khai thác khác như lúc ban đầu. Mum nguyên liệu dùng để đan sọt được phân loại theo đường kính thân (loại 1, 2, 3), dài 4,2 mét, giá mua từ 2-6 ngàn, với quy trình phơi nắng, chẻ nan, đan sọt trắng, cắt dư, bắn đinh...
Mới 2 tháng, nhưng Công ty Song Nga đã xuất được 1 container và đang chuẩn bị container thứ 2 giao cho khách hàng. Hiện nay, Công ty có khoảng 54 công nhân (50% là đồng vào Tày, Nùng), và cả trăm hộ gia đình đan gia công sọt trắng, đan nắp và uốn cạp. Công nhân làm công tại xưởng được tính công theo giờ. Do toàn bộ lao động tại Công ty là công nhân từ đan sọt nhựa chuyển sang đan sọt mum, vẫn chưa thành thục thao tác và do nan mum cứng, sắc, nên năng lực sản xuất của Song Nga chưa ổn định và phải tiếp tục tình hình này khoảng 6 tháng đến 1 năm. Nga tính, khi tay nghề của công nhân ổn định, có thể xuất 10 container/tháng và sử dụng từ 100-200 lao động, với lượng mum cần khai thác là 6-7 ngàn cây, không tính hư hỏng.
Vì vậy, cô Giám đốc trẻ dự kiến sẽ phải thực hiện dự án trồng cây mum trên vùng nguyên liệu Cát Tiên, bằng phương thức nhân giống cấy mô, kết hợp với nhân dân chuyển đổi diện tích điều già cỗi, trồng trên đất trống, thu hoạch sau 2 năm... Đồng thời, Nga cũng đang nghiên cứu phương pháp hấp nan để giảm mối mọt và kéo dài tuổi thọ để tiết kiệm nguyên liệu và không bị ảnh hưởng năng suất khi bước vào mùa mưa. Mẫu sọt mum nhìn rất đơn giản và chỉ sử dụng 1 lần rồi bỏ, nhưng không dễ làm, nên Nga vẫn phụ trách công tác đào tạo để sản phẩm cho ra 1 kích cỡ theo chuẩn, là mỗi sọt có nắp đựng được 20-25 kg rau củ.
Nga cũng đang ấp ủ xây xưởng rộng từ 2-3 ngàn m2, trong đó 1 ngàn m2 làm kho, còn lại là xưởng đặt máy và sân phơi. Khi Công ty đi vào hoạt động ổn định có chỗ đứng vững chắc, Song Nga có thể thiết kế thêm các loại sọt đựng đồ nhẹ như khăn tắm, quần áo, rác thải văn phòng..., tô điểm không gian nhà ở, văn phòng…; thậm chí là đón đầu xu hướng quay trở về với thiên nhiên, khi rổ rá, thúng mủng, nong nia… làm bằng tre nứa được người tiêu dùng ngày càng muốn quay trở lại sử dụng…
Dù đang còn rất khó khăn, nhưng tin chắc, Song Nga và Bùi Thị Nga sẽ thành công!
LÊ HOA - baolamdong.vn